Phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi

Thực trạng té ngã và hệ lụy ở người cao tuổi

Té ngã là một tai nạn bất ngờ rất phổ biến ở người cao tuổi. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1,5 – 1,9 triệu người cao tuổi bị té ngã mỗi năm, 5% trong số đó phải nhập viện vì các chấn thương. Tùy vào cấp độ, các chấn thương do té ngã có thể làm mất chức năng vận động, khiến người bệnh phải phụ thuộc vào người chăm sóc, gây tốn kém cho việc điều trị, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Té ngã có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe người cao tuổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương với hơn 50% trường hợp bị té ngã tại nhà và là nguyên nhân thứ 2 gây chấn thương não và tủy sống ở người cao tuổi. Tỉ lệ chấn thương do té ngã ở người cao tuổi là 10 – 25%, trong đó thương tích nghiêm trọng chiếm khoảng 5 – 15%. Trong các chấn thương do té ngã thì gãy xương chiếm tỉ lệ cao nhất với 87%, trong đó hơn 95% trường hợp bị gãy xương hông. Té ngã cũng nằm trong 5 nguyên nhân gây tử vong ở người trên 65 tuổi với tỉ lệ tử vong tăng theo tuổi (*). 26 Bản tin Y tế Hồng Hưng: số 3 – 2022 Hạn chế té ngã cho người cao tuổi

Nguyên nhân té ngã ở người cao tuổi

  • Yếu cơ: thiếu tập thể dục, vận động, do sự suy yếu của hệ thống cơ – xương – khớp theo tuổi tác, di chứng suy yếu cơ sau đột qụy, người bệnh nặng mới khỏi…
  • Mất thăng bằng: người cao tuổi có thể bị choáng váng, chóng mặt và mất thăng bằng dẫn đến té ngã mà không rõ nguyên nhân hoặc có thể do một số bệnh lý (thiếu máu, động kinh, hạ đường huyết) gây nên.
  • Các yếu tố từ môi trường sống như: cầu thang dốc, không có tay vịn, không gian sống không đủ ánh sáng hoặc quá chói, bề mặt sàn nhà có nhiều chướng ngại vật, nhà tắm trơn trượt hoặc không bằng phẳng…
  • Hạ huyết áp tư thế: huyết áp giảm do sự thay đổi tư thế đột ngột (đứng lên quá nhanh).
  • Rượu: sử dụng rượu dễ dẫn đến tình trạng lơ mơ, vụng về, giảm khả năng quan sát, phán đoán, từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ té ngã.
  • Vấn đề về thị lực: đục thủy tinh thể, suy giảm tầm nhìn, đeo kính không đúng độ, khả năng quan sát của người cao tuổi.
  • Ngoài ra, tác dụng phụ của một số thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần, thuốc ngủ…

Hạn chế té ngã cho người cao tuổi

  • Xây dựng không gian sống an toàn
  • Thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ
  •  Chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thực phẩm sạch, lành mạnh
  • Theo dõi sức khỏe thường xuyên, lắng nghe biểu hiện thay đổi của cơ thể, thăm khám định kỳ tại các cơ sở khám chữa bệnh
  • Chủ động nhờ đến những người xung quanh khi cơ thể đột ngột khó chịu hoặc cảm giác không an toàn.
  • Không nên di chuyển một mình tại các nơi công cộng hoặc ra khỏi nhà
  •  Không nên trực tiếp tham gia giao thông, ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng.

Phòng ngừa té ngã cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng

Nhân viên y tế Bệnh viện Hồng Hưng được tập huấn về kỹ năng chăm sóc và hướng dẫn người nhà cách chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ cao bị té ngã khi đến thăm khám điều trị nhằm nhằm đảm bảo “an toàn người bệnh” trong môi trường Bệnh viện. Hỗ trợ tận tình những trường hợp người cao tuổi đến khám bệnh một mình từ những nhân viên y tế trong toàn bệnh viện: nhân viên tiếp đón, điều dưỡng khoa, nhân viên công tác xã hội, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên khảo sát… bằng các hình thức hướng dẫn, đẩy xe lăn, dìu bệnh nhân.

Đẩy mạnh hoạt động báo cáo sự kiện an toàn người bệnh trong toàn bệnh viện, nâng cao nhận diện các yếu tố về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vận hành có nguy cơ dẫn đến “các tình huống” té ngã cho người bệnh, người cao tuổi khi đến thăm khám và điều trị nhằm chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó phòng ngừa phù hợp. Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng có ghi nhận sự kiện an toàn người bệnh liên quan đến té ngã, cụ thể: Bệnh nhân tên N.V.H ngụ tại Phường Ninh Sơn, Tp. Tây Ninh đến khám ngoại trú vào tháng 6 năm 2022. Chú H. ăn chay trường, sáng đến khám bệnh chỉ ăn nhẹ một chén cơm trắng muối mè. Khi đến lượt mình được gọi tên vào phòng khám thì chú té ngã và đầu đập xuống sàn. Sau khi hoàn thành các khâu khám với các cận lâm sàng được thực hiện thì Bác sĩ chẩn đoán chú bị “Động kinh + Viêm xoang cấp + Thiếu Kali”. Dù sự việc té ngã không gây chấn thương nghiêm trọng tuy nhiên chú vẫn phải dùng thuốc giảm đau, kháng viêm và tái khám vết khâu cắt chỉ sau đó.

Kết luận

Tuổi già là một giai đoạn nhạy cảm trong cuộc đời con người. Khi đó người cao tuổi phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn như bệnh tật kinh niên ngày càng gia tăng. Sự cô độc, thiếu hỗ trợ của gia đình-xã hội, và những khuyết tật về thể chất, tinh thần khiến cho khả năng tự chủ sinh hoạt của người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuổi thọ con người đã tăng lên trong những thập kỷ qua, và hiện tượng này đã dẫn đến sự gia tăng dân số người cao tuổi. Một trong những vấn đề phổ biến nhất, nghiêm trọng nhất làm giảm tuổi thọ và chất lượng sống ở người cao tuổi chính là biến cố té ngã. Quan trọng hơn, té ngã làm giảm sút chất lượng cuộc sống người cao tuổi, làm nặng lên các bệnh nền, tăng nguy cơ nhập viện và tăng tỷ lệ tử vong do thương tích không chủ ý.

Tài liệu tham khảo:

Nguồn số liệu (*): https://suckhoedoisong.vn/phong-chong-te-nga-o-nguoi-cao-tuoi-169176004.htm

Biên soạn bởi: CN. Nguyễn Thị Hồng Phúc, Phòng Quản lý chất lượng, BVĐK Hồng Hưng