Suy thận ở người cao tuổi

Suy thận là gì?

Suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng và không còn khả năng lọc các chất thải từ máu.
Suy thận gồm suy thận cấp (tổn thương thận cấp) và suy thận mạn.

 Suy thận cấp (hay tổn thương thận cấp) là tình trạng suy giảm cấp tính độ lọc cầu thận trong vài giờ đến vài ngày khiến cho các chất điện giải, chất thải dư thừa không được đào thải ra khỏi máu. Bệnh có thể xảy ra ở người trước đó có chức năng thận bình thường hoặc người có bệnh thận mạn. Tổn thương thận cấp có thể hồi phục hoàn toàn tùy thuộc vào chức năng thận nền tảng, nguyên nhân và điều trị sớm.

Suy thận mạn tính hay còn gọi là bệnh thận mạn, là quá trình suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường, với đặc điểm bệnh tiến triển chậm và thường không xuất hiện triệu chứng cho tới khi đã ở tình trạng nguy hiểm. Khi mắc bệnh suy thận mạn, thận không thể loại bỏ các chất thải cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước của cơ thể, lượng muối trong máu và canxi. Các chất thải sẽ tồn đọng trong cơ thể và gây hại cho người bệnh. Suy thận mạn được định nghĩa là tổn thương thận kèm hoặc không kèm giảm GFR kéo dài trên 3 tháng.

Đặc điểm suy thận ở người cao tuổi

Nguy cơ mắc bệnh suy thận ở người già sẽ lớn hơn so với những độ tuổi khác do quá trình lão hóa thận tự nhiên (làm giảm số lượng đơn vị lọc thận và hiệu quả lọc máu) kèm theo ở người cao tuổi thường mắc các bệnh nội khoa, điều này yêu cầu họ phải sử dụng một lượng thuốc lớn. Một số trường hợp còn tự ý bổ sung những loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc này có nhiều cơ chế khác nhau tác động đến thận, gây tổn thương thận.
Nguyên nhân suy thận ở người cao tuổi

  • Mắc các bệnh lý: tăng huyết áp, đái tháo đường có khả năng gây ra tổn thương các mạch máu trong cơ thể
    trong đó có mạch máu thận
  • Dùng nhiều thuốc điều trị các bệnh nội
  • Dinh dưỡng kém: người cao tuổi thường ăn uống kém, teo gai lưỡi làm giảm phản xạ khát khi thiếu nước

Triệu chứng suy thận ở người cao tuổi thường gặp

Giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ rệt, các giai đoạn trễ thường có các triệu chứng

  • Chán ăn;
  • Buồn nôn, nôn,nghe mùi thịt cá là buồn nôn;
  • Phù, khó thở;
  • Da xanh, thiếu máu;
  • Tiểu đêm nhiều lần;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Sa sút tinh thần;
  • Hoa mắt, chóng mặt;
  • Hơi thở có mùi hôi;
  • Tăng huyết áp.

Tầm soát bệnh thận mạn ở người lớn tuổi
Để phát hiện sớm suy thận, người lớn tuổi cần khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra chức năng thận mỗi năm 1 lần,
người có kèm bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, Gout nên kiểm tra mỗi 6 tháng 1 lần.

  • Xét nghiệm máu ure creatinin giúp tính được độ lọc cầu thận ước đoán.
  • Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện protein niệu, hồng cầu, bạch cầu.
  • Xét nghiệm xem tình trạng thiếu máu. Đo ion đồ máu.
  • Siêu âm thận phát hiện trình trạng thận ứ nước, sỏi thận, thay đổi cấu trúc thận

Nên làm gì khi chức năng thận suy giảm?

  • Nên tái khám định kì theo theo lịch hẹn của bác sĩ,tùy từng giai đoạn bác sĩ sẽ có kế hoạch theo dõi điều trị bảo tồn, làm chậm tiến triển của suy thận.
  • Bệnh nhân nên tránh các thuốc không rõ nguồn gốc, tránh các thuốc độc thận, giảm thiểu thuốc theo độ lọc cầu thận.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý hệ niệu như sỏi thận, nhiễm trùng tiểu.
  • Duy trì trị số huyết áp <130/80 mm Hg.
  • Kiểm soát tốt đường huyết mục tiêu HBA1C<7.
  • Kiểm soát lipid LDL<130 mg/dL.
  • Dinh dưỡng tốt, tránh để suy dinh dưỡng nhưng không ăn quá nhiều protid (<1g/kg/ngày)
  • Uống nước vừa phải.
  • Tránh ăn mặn, giảm rượu, thuốc lá.
  • Thường xuyên kiểm tra lượng kali trong máu.
  • Không ăn quá nhiều trái cây, hạn chế đậu.
  • Kế hoạch chuẩn bị điều trị thay thế thận khi suy thận ở giai đoạn 4, 5.
  • Nếu lựa chọn chạy thận nhân tạo cần mổ AVF trước lọc 3-6 tháng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bệnh học người cao tuổi…PGS Nguyễn Văn Trí NXB Y học
  2. Tài liệu chuyên ngành Thận nhân tạo _BVCR

Biên soạn bởi:  BS. Nguyễn Ngọc Trang – Bác sĩ Khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh