Tán sỏi ngoài cơ thể là gì & các yếu tố cơ sở để lựa chọn phương pháp tán sỏi phù hợp

1. Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?

Đây là phương pháp điều trị sỏi niệu ít xâm lấn, không có vết mổ. Nguyên lý chính là dùng sóng chấn động từ ngoài cơ thể tập trung vào viên sỏi với một áp lực cao làm viên sỏi vỡ vụn ra, có thể thành cát, sau đó bài tiết ra ngoài theo đường tự nhiên.

2. Các chỉnh định và chống chỉ định trong phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

CHỈ ĐỊNH:
Kích thước của sỏi: Đa số các tác giả cho rằng tán sỏi thận ngoài cơ thể là phương pháp điều trị tốt nhất với những trường hợp sỏi có kích thước < 2 cm. Những trường hợp sỏi lớn hơn cần cân nhắc cụ thể từng trường hợp, dựa vào mức độ cản quang, kích thước sỏi, vị trí sỏi trong thận hay số lượng sỏi, v.v… Trong những trường hợp này, thường phải kết hợp tán sỏi ngoài cơ thể với lấy sỏi thận qua da để làm tăng hiệu quả điều trị hết sỏi của phương pháp.
  • Nếu mở rộng chỉ dịnh, chỉ nên tán đến sỏi < 4 cm, nhưng cần đặt sonde Double J trước tán phòng biến chứng ùn tắc niệu quản.
  • Những trường hợp sỏi quá lớn (hơn 4 – 5 cm), vẫn có thể tán được nhưng khó khăn, phải tán sỏi nhiều lần, có nhiều tai biến và biến chứng như: tổn thương nặng nề nhu mô thận, các mảnh sỏi kẹt làm tắc niệu quản.
Vị trí sỏi: Sỏi bể thận tán dễ vỡ nhất vì sỏi nằm trong môi trường xung quanh là nước, vì nước là môi trường truyển sóng xung tốt nhất. Sỏi niệu quản phần trên tán dễ vỡ hơn phần dưới vì có nhiều nước tiểu bao quanh hơn. Sỏi đài trên và đài giữa tán sỏi ngoài cơ thể cho kết quả 75 – 80%, sỏi đài dưới chỉ cho kết quả 60% vì mảnh sỏi khó đào thải ra hơn.
 
Thành phần hoá học của sỏi: Kết quả tán sỏi ngoài cơ thể phụ thuộc rất lớn vào thành phần hoá học của sỏi. những sỏi quá rắn (Cystin) hay quá mềm (Calculmus) nói chung là tán khó khăn vì không vỡ hay vỡ thì quánh lại với nhau không đào thải được. Sỏi struvite tuy dễ vỡ nhưng dễ gây nhiễm khuẩn niệu vì vi khuẩn nằm trong viên sỏi được giải phóng ra đường niệu, các mảnh sỏi khó đào thải và dễ gây tái phát. Ngay trong một loại sỏi kết quả tán khác nhau giữa những trường hợp sỏi ngậm các phân tử nước khác nhau, như trong sỏi oxalat calci thì loại calci oxalat monohydrate (Whewellite) rắn hơn loại sỏi calci oxalat dihydrate.
 
Số lượng sỏi: Tốt nhất là nên tán sỏi chỉ có 1- 2 viên. Nếu số lượng sỏi quá nhiều, tán không tập trung, việc tán sỏi sẽ rất khó khăn, phải tán nhiều lần. 
 
Sỏi chưa có triệu chứng: Bệnh nhân có sỏi thận nhưng không có triệu chứng cơ năng, đang làm việc trong những nghề nghiệp đặc biệt không cho phép ngừng công việc khi đang làm nhiệm vụ.
 
Tán sỏi sau một số phương pháp điều trị khác
  • Sỏi sót hay tái phát sau phẫu thuật.
  • Những mảnh sỏi còn lại sau lấy sỏi thận qua da, sau tán sỏi niệu quản còn lại sỏi trên thận.
Tán sỏi trên thận móng ngựa: Tán sỏi trên thận móng ngựa đạt tỷ lệ 80%, tỷ lệ này còn phụ thuộc tư thế bệnh nhân sau tán.
 
Ngoài ra tán sỏi ngoài cơ thể chỉ làm khi bệnh nhân có các điều kiện: Không có các bệnh lý khác ở thận như: u thận, lao thận, vôi hoá ĐM thận, chức năng thận phải còn tốt để đẩy mảnh sỏi vụn ra ngoài sau thủ thuật
CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
1. BN có rối loạn đông máu: Prothrombin thấp (< 70%), thời gian máu chảy (MC), máu đông kéo dài…
2. BN đang điều trị các thuốc chống đông (gồm cả Aspirin).
3. BN đang mang thai.
4. BN có tắc nghẽn đường dẫn niệu phía dưới viên sỏi.
5. BN bị một trong các bệnh sau: Viêm phổi, lách to hoặc viêm lách, bệnh đường ruột, phình động mạch chủ bụng, nhiễm trùng đường tiết niệu cấp
6. BN có chống chỉ định với gây mê hoặc gây tê.
7. BN có bệnh về tim mạch:
  • Nghẽn nhĩ thất (Block AV) độ 2 hoặc 3 (chưa đặt máy tạo nhịp).
  • BN đã được đặt máy tạo nhịp hoặc khử rung.
  • BN có nguy cơ biến chứng tim mạch (dù nhỏ), mà nhịp tim không thể phối hợp đồng bộ với máy tán sỏi.
  • BN bị vôi hoá động mạch gần với vùng khu trú của sỏi.
8. BN có sỏi nhưng không xác định được vị trí bằng hệ thống định vị sỏi của máy tán sỏi (vẹo, lệch cột sống…)

3. Các biến chứng, tác dụng ngoại ý và xử trí.

3.1. Đái ra máu:
  • Thường gặp nhất, có thể kéo dài 1 vài ngày.
  • Thường ở mức nhẹ và vừa (nước tiểu màu hồng hoặc đỏ nhạt): điều trị bảo tồn.
  • Điều trị can thiệp: khi có đái máu nặng (nước tiểu đỏ sẫm hoặc có máu cục).
3.2. Đau:
  • Đau vùng da tại chỗ, thường nhẹ và kèm theo đỏ da, không cần điều trị gì.
  • Cơn đau quặn thận: do sỏi xuống niệu quản. Xử trí như cơn đau quặn thận thông thường. Nếu đau nhiều hơn thì soi niệu quản lấy sỏi và đặt JJ lưu. Nếu kèm sốt: phải điều trị kháng sinh cho đến khi không còn tình trạng nhiễm trùng rồi mới soi niệu quản
3.3. Máu tụ trong và ngoài thận:
  • Thường nhẹ, xử trí bảo tồn bằng các thuốc cầm máu và chống viêm.
  • Có thể gặp biến chứng nặng: vỡ thận, máu tụ lớn…cần nhập viện theo dõi, có khi đòi hỏi phải xử trí can thiệp bằng phẫu thuật để cầm máu…
3.4. Sốt:
  • Thường trong 1-2 ngày đầu sau tán sỏi có thể sốt cao, do nhiễm khuẩn hoặc do máu tụ.
  • Xử trí: Kháng sinh và thuốc hạ sốt thông thường.
3.5. Buồn nôn và nôn:
  • Thường nhẹ, xảy ra trong ngày đầu sau tán sỏi và tự hết.
3.6. Tăng huyết áp:
  • Không nhiều hơn so với các phương pháp điều trị sỏi khác.
  • Xử trí bằng thuốc hạ HA thông thường.
Tán sỏi ngoài cơ thể được biết đến như là một can thiệp tối thiểu, nhằm giải quyết căn nguyên gây ra các cơn đau quặn thận do sỏi niệu quản, sỏi thận cho bệnh nhân. Các ưu điểm nổi bật của phương pháp này:
  • Ít gây ảnh hưởng đến thận;
  • Thời gian lưu viện ngắn (1 – 2 ngày), tiết kiệm chi phí điều trị;
  • Quá trình thực hiện nhẹ nhàng, không gây đau như mổ;
  • Không phẫu thuật nên không phát sinh các vấn đề chảy máu hoặc bị nhiễm trùng vết mổ, để lại sẹo.
Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi qua số Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939.
Thời gian làm việc: Tất cả các ngày trong tuần
• Sáng: 7h00 – 12h00
• Chiều: 13h00 – 16h00
BVĐK Hồng Hưng hân hạnh được phục vụ!
 
🏥 BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
⏰ Thời gian phục vụ: Từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 đến 16h00
• Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
• Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
• Email: info@honghunghospital.com.vn
• Website: www.honghunghospital.com.vn
• Fanpage: Hong Hung Hospital