TIÊM NGỪA HPV & NHỮNG THẮC MẮC CẦN GIẢI ĐÁP

HPV (Human Papillomavirus) là thủ phạm chính gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư vòm họng…

Tiêm vắc-xin ngừa vi-rút HPV là biện pháp hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm này.

Cùng Tiêm chủng Hồng Hưng giải đáp những thắc mắc mà chắc chắn ai cũng một lần nghĩ đến về việc tiêm ngừa HPV nhé!
  1. Quan hệ rồi có tiêm vắc-xin ngừa HPV được không? – ĐƯỢC!

    Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng, chưa quan hệ tình dục mới được tiêm phòng HPV. Thông tin sai lệch này có thể xuất phát từ thực tế rằng: thời điểm tốt nhất để tiêm vắc xin phòng HPV là trước khi tiếp xúc với vi-rút qua đường quan hệ tình dục. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng những người đã từng quan hệ tình dục không thể tiêm vắc-xin ngừa HPV. Ngay cả khi bạn đã từng quan hệ tình dục hay thậm chí đã nhiễm vi-rút HPV, vắc-xin vẫn có thể bảo vệ bạn khỏi những chủng vi-rút mà bạn chưa tiếp xúc.
  2. Sau khi tiêm vắc-xin HPV có kiêng quan hệ không? – KHÔNG!

    Hiện chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về việc kiêng quan hệ trong hoặc sau khi tiêm phòng HPV. Sau khi đã thực hiện đủ phác đồ tiêm vắc-xin, nếu muốn, người tiêm vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường.
    Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cũng như các loại vắc-xin khác, vắc-xin HPV không có hiệu quả bảo vệ 100% trước các chủng vi-rút có trong vắc-xin và không ngăn ngừa các bệnh tình dục nguy hiểm khác như HIV, giang mai, lậu, Chlamydia… Do đó, quan hệ sau khi tiêm vắc-xin, tốt nhất vẫn nên sử dụng biện pháp an toàn và quan hệ chung thủy 1 vợ 1 chồng để giảm nguy cơ lây nhiễm xuống mức thấp nhất.
  3. Nam giới có nên tiêm vắc-xin ngừa HPV không? – CÓ!

    HPV không chỉ gây bệnh ở phụ nữ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nam giới cũng là đối tượng gánh chịu nguy cơ mắc các bệnh do HPV gây ra, thậm chí cao hơn cả nữ giới. Chính vì vậy, việc tiêm vắc-xin ngừa HPV không phân biệt giới tính và được khuyến khích tiêm càng sớm càng tốt.
  4. Đã bị sùi mào gà có thể tiêm vắc-xin ngừa HPV nữa không? – Câu trả lời là: HOÀN TOÀN CÓ THỂ!

    Trong trường hợp đã mắc sùi mào gà, tiêm phòng HPV sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển thành ung thư, ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm.
    HPV rất dễ tái nhiễm. Hệ miễn dịch của cơ thể không đủ khả năng để ngăn chặn nguy cơ tái nhiễm này nhưng vắc-xin hoàn toàn có thể. Ngoài ra, HPV có nhiều chủng khác nhau, tiêm vắc-xin giúp phòng ngừa nhiễm các chủng vi-rút gây bệnh khác mà bạn chưa mắc.
  5. Độ tuổi tiêm vắc-xin ngừa HPV tại Việt Nam là bao nhiêu?

    Trước đây, vắc-xin HPV được chỉ định tiêm cho đối tượng từ 9-26 tuổi. Tuy nhiên, vào tháng 05/2024, Bộ Y tế đã mở rộng chỉ định tiêm vắc xin Gardasil 9 ngừa HPV cho người 27-45 tuổi. Theo đó, thay vì giới hạn 9-26 tuổi như trước, Bộ Y tế cho phép người từ 27 đến 45 tuổi có thể tiêm vắc-xin ngừa HPV.
  6. Tiêm vắc-xin ngừa HPV bao nhiêu tuổi là tốt nhất?

    Tiêm vắc xin HPV cho trẻ em từ 9 đến 14 tuổi là “độ tuổi vàng” là thời điểm tiêm lý tưởng nhất trước khi trẻ bắt đầu có hoạt động tình dục.
    Các bằng chứng khoa học chỉ ra rằng, khi tiêm cho trẻ em trong độ tuổi 9-14 tuổi, kháng thể có thể duy trì ở nồng độ cao và không suy giảm theo thời gian. Đặc biệt, trẻ em ở độ tuổi này chỉ cần tiêm 2 mũi, giúp sinh hiệu quả miễn dịch cao và tiết kiệm chi phí so với tiêm ở độ tuổi lớn hơn (cần tiêm 3 mũi).

Để được tư vấn cụ thể hoặc đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, Quý bà con có thể liên hệ đặt lịch với chúng tôi:

———————————————————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7