BS.CKI Đặng Thành Đạt
Bác sĩ Khoa Sản – Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Mang thai ngoài ý muốn không chỉ là vấn đề của các gia đình, cặp đôi mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Mang thai khi chưa chuẩn bị về tinh thần, khả năng tài chính… không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình trong tương lai mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Để tránh tình trạng trên, chị em phụ nữ nên cân nhắc lựa chọn các liệu pháp tránh thai phù hợp, an toàn cho sức khỏe.
Tránh thai khẩn cấp
Tránh thai khẩn cấp được định nghĩa là hành động có chủ ý dùng các biện pháp để ngăn ngừa mang thai sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ hoặc bảo vệ không đầy đủ và không mong muốn mang thai.
Nhiều người vẫn thường hiểu rằng tránh thai khẩn cấp chỉ cần dùng sau khi quan hệ là đúng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc khẩn cấp mua tại các hiệu thuốc dùng sau khi quan hệ vẫn chưa an toàn cho việc bảo vệ khỏi mang thai ngoài ý muốn. Tránh thai khẩn cấp bao gồm các phương pháp sau:
Sử dụng các nội tiết tố
- Thuốc ngừa thai dạng viên phối hợp dùng hằng ngày: hai liều cách nhau 12 giờ: 100µg ethinyl estradiol + 0,5mg levonogestrel. Hiệu quả đến 5 ngày sau khi quan hệ không được bảo vệ. Khi dùng liều cao sẽ có hiệu quả ngừa thai khẩn cấp. Tuy nhiên, việc sử dụng Estradiol liều cao làm tăng nguy cơ cho người sử dụng, đặc biệt là thuyên tắc mạch.
- Progestogen đơn thuần liều cao: phổ biến nhất là chế phẩm Postinor 1 (1.5mg Levonorgestrel), Postinor 2 (750mcg Levonorgestrel). Postinor 1 dùng càng sớm càng tốt trong 12 giờ đầu và không để muộn hơn 72 giờ (3 ngày). Với Postinor 2, dùng càng sớm càng tốt không để muộn hơn 72 giờ, uống một viên tiếp theo, cách viên đầu 12 giờ là rất quan trọng (và không để muộn hơn 16 giờ).
- Chất điều hoà chọn lọc thụ thể của progesterone: viên chứa Mifepristone, dùng liều duy nhất 10mg, càng sớm càng tốt sau giao hợp có nguy cơ có thai, muộn nhất là 120 giờ.
- Ưu tiên sử dụng Postinor ở phụ nữ đang cho con bú. Tỉ lệ thất bại của viên tránh thai khẩn cấp khoảng 0 – 2.4%.
Tác dụng phụ: rối loạn chu kì kinh nguyệt, xuất huyết tử cung bất thường, chóng mặt buồn nôn, đau bụng dưới… Không sử dụng thuốc khi nghi ngờ mang thai, đang mang thai, đang điều trị bệnh lý tim mạch, động kinh. Nếu nhận thấy kinh nguyệt đến chậm hơn 1 tuần so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nên sử dụng que thử thai hoặc đến gặp bác sĩ để xác định chắc chắn có mang thai hay không.
Đặt vòng tránh thai (chứa đồng hoặc chứa nội tiết): vừa là phương pháp tránh thai lâu dài, cũng vừa là phương pháp tránh thai khẩn cấp.
Trong vòng 5 ngày sau khi quan hệ không được bảo vệ và tốt nhất là trong vòng 120 giờ sau, vòng tránh thai chứa đồng có hiệu quả ngừa thai hơn 99%. Đây là hình thức tránh thai khẩn cấp hiệu quả nhất hiện có. Sau khi đặt, có thể tiếp tục sử dụng như một biện pháp tránh thai liên tục hoặc có thể chọn đổi sang một biện pháp tránh thai khác.
Tăng cường sử dụng vòng tránh thai khẩn cấp là một chiến lược quan trọng để giảm cơ hội mang thai của một phụ nữ sau khi quan hệ không được bảo vệ. Vấn đề duy nhất là khả năng làm tăng nguy cơ viêm vùng chậu, nếu như người dùng có nhiễm Neisseria gonorrhoeae hay nhiễm Chlamydia trachomatis tại thời điểm đặt. Do đó, cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định.
Thuốc tránh thai nội tiết đơn liều dạng que cấy
Que cấy tránh thai là những ống nhỏ làm bằng chất dẻo chứa thuốc tránh thai, được cấy dưới da tay. Thành phần có trong que cấy tránh thai bao gồm nội tiết tố Levonorgestrel hay Etonogestrel.
Tất cả que cấy tránh thai đều được cấy dưới da ở mặt trong của cánh tay trên.
Implanon là một que đơn được nạp sẵn vào dụng cụ cấy vô trùng dùng một lần, giúp việc đặt và lấy ra dễ dàng hơn nhiều. Cho đến hiện tại, Implanon NXT 68mg được sử dụng rộng rãi, thay thế cho 2 loại que cấy thế hệ cũ.
- Ưu điểm khi dùng: hiệu quả tránh thai cao (>99%), tác dụng lâu dài, có thể lấy que bất cứ lúc nào để mục đích có thai trở lại.
- Nhược điểm khi dùng: rối loạn kinh nguyệt, đau sau cấy, nhức đầu, căng ngực.
Kết luận
Tất cả các phương pháp tránh thai chỉ có tác dụng trước khi thai được hình thành. Việc sử dụng nội tiết tố tránh thai không gây rủi ro cho thai và không liên quan đến bất thường hay phát triển của phôi thai. Ngoại trừ những tác dụng phụ đã nêu thì các phương pháp đã nêu có tỷ lệ mang thai từ 1 – 2,2%.
Khi đã có quan hệ tình dục không an toàn, thì vấn đề còn lại là lựa chọn một biện pháp ngừa thai khẩn cấp phù hợp. Cần thảo luận với nhân viên y tế để có thể đưa ra lựa chọn dựa trên sự an toàn khi sử dụng, hiệu quả tránh thai cao và mong muốn tránh thai lâu dài.
Tài liệu tham khảo
1. Bài giảng Phụ khoa 2021 – ĐHYD TP.HCM
2. WHO (2021): Emergency contraception
3. Black KI (2022): “Emergency contraception: Oral and intrauterine options”. Aust Fam Physician. 2017 Oct; 46(10):722-726.
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 3 – năm 2023,
Chủ đề: SỬ DỤNG THUỐC HỢP LÝ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)
Chủ đề: SỬ DỤNG THUỐC HỢP LÝ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)