Trẻ nhỏ ra nhiều mồ hôi có đáng lo ngại?

Về mặt y khoa, việc ra mồ hôi là nhằm làm mát cơ thể và ở trẻ em việc ra mồ hôi ban ngày hay ban đêm đều phụ thuộc vào nhiều tác động cụ thể như: thời tiết, sự thông thoáng của nơi sinh sống, trang phục đang mặc, vận động thể chất… Việc đổ mồ hôi là điều hết sức bình thường, mồ hôi làm cho nhiệt độ cơ thể tỏa ra và làm mát cơ thể của trẻ mà không gây nguy hại gì.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát thấy trẻ ra nhiều mồ hôi hơn các bạn cùng lứa khi tham gia cùng hoạt động thể chất hoặc có thể ra mồ hôi kể cả đang sinh hoạt trong phòng có không khí mát mẻ… Tình trạng xuất hiện, kéo dài làm bé khó chịu hoặc cảm thấy mệt mỏi, dễ kiệt sức thì ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để phát hiện sớm chứng tăng tiết mồ hôi bệnh lý.

Những bệnh thường gặp khi trẻ ra nhiều mồ hôi

  • Tăng tiết mồ hôi nguyên phát: là chứng rối loạn bài tiết do rối loạn thần kinh thực vật. Trẻ có thể bị ra rất nhiều mồ hôi ở tay, chân, đầu, lưng hoặc toàn thân mà không mắc chứng bệnh nào khác. Bệnh có thể bắt đầu từ nhỏ và sẽ nặng dần theo thời gian trưởng thành, một điều lưu ý là bệnh có tính chất di truyền lên đến 28% cho con.
  • Thiếu canxi và Vitamin D3: Biểu hiện nhận dạng là đổ nhiều mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp chậm liền, hay khóc đêm…
  • Bệnh tim bẩm sinh: Trẻ ra nhiều mồ hôi kèm theo các triệu chứng như: khó thở, thở nhịp nhanh, môi tím tái, thở khò khè, dễ ho… thì trẻ có khả năng mắc bệnh tim bẩm sinh

Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng ra mồ hôi nhiều ở trẻ như: tình trạng nhiễm trùng (bệnh lao, viêm phổi, viêm phế quản), tiểu đường, cường giáp, rối loạn chuyển hóa và nội tiết, chứng ngưng thở khi ngủ, hoặc một số thuốc kê đơn có tác dụng phụ gây ra tăng tiết mồ hôi…

Hậu quả của việc trẻ ra mồ hôi quá nhiều

Ra mồ hôi là cơ chế làm mát cơ thể, tuy nhiên, việc ra mồ hôi quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như:

  • Dễ kiệt sức, mệt mỏi, chán ăn, mất nước và chất điện giải,
  • Phát triển các bệnh ngoài da dễ hơn như: nấm da, mụn nhọt, dị ứng da, có mùi hôi cơ thể…
  • Thiếu tự tin, dễ mặc cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.

Không nên sử dụng các phương pháp dân gian hoặc tự ý mua thuốc tại các cửa hàng thuốc bán lẻ, vì chúng ta chưa xác định được tình trạng sức khỏe của trẻ. Cách an toàn nhất là đưa trẻ đến cơ sở y tế để gặp bác sĩ.

Chủ động phòng ngừa việc ra nhiều mồ hôi ở trẻ

  • Điều chỉnh chế độ ăn cân bằng, tăng cường rau xanh, trái cây tươi cho các bữa ăn. Ưu tiên các thực phẩm có nhiều vitamin B trong thực đơn mỗi ngày, hạn chế rượu hoặc thức ăn quá cay,
  • Nhắc nhở và giúp bé tập thói quen uống đúng và đủ nước,
  • Vệ sinh khu vực sống thường xuyên đảm bảo không khí mát mẻ và trong lành,
  • Trang phục phù hợp với thời tiết là điều rất quan trọng,
  • Dùng vải hoặc khăn lau khô trẻ khi ra nhiều mồ hôi hạn chế để mồ hôi thấm ngược qua da gây cảm lạnh.

Làm cha mẹ thật không đơn giản, hãy là những bậc phụ huynh thông thái trong việc chăm sóc sức khỏe cho con.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://www.verywellhealth.com/excessive-sweating-2634570
  2. M Aubignat: “Hyperhidrosis from diagnosis to management”. Rev Med Interne.2021 May;42(5):338-345.