Hiểu rõ bệnh đái tháo đường để sống khỏe mạnh

Theo kết quả điều tra của Bộ Y Tế năm 2021, Việt Nam có tỷ lệ 7.1% người trưởng thành, tương đương 5 triệu người mắc đái tháo đường; hơn 55% bệnh nhân đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó, 34% là biến chứng tim mạch, 39.5% có biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng thận.

Bệnh đái tháo đường là gì?

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai.

hieu ro benh dai thao duong

Có bao nhiêu loại đái tháo đường?

Bệnh được phân thành 4 loại chính:

  • Đái tháo đường típ 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
  • Đái tháo đường típ 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
  • Đái tháo đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ típ 1, típ 2 trước đó).
  • Các loại ĐTĐ đặc biệt do các nguyên nhân khác như ĐTĐ sơ sinh hoặc ĐTĐ do sử dụng thuốc như glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…

Làm sao để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường?

Xét nghiệm glucose và/hoặc HbA1C trong máu ở những người có nguy cơ cao sau đây để phát hiện sớm ĐTĐ:

  1. Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
  • Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị ĐTĐ;
  • Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch;
  • Tăng huyết áp (HA ≥ 140/90 mmHg hoặc đang điều trị THA);
  • HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L);
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang;
  • Ít hoạt động thể lực;
  • Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen: acanthosis nigricans).
  1. Phụ nữ đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ.
  2. Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên.

Triệu chứng của đái tháo đường là gì?

  • Kinh điển là hội chứng 4 nhiều: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt ký.
  • Có thể kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi, mờ mắt, tê tay chân, vết thương lâu lành…

trieu chung benh dai thao duong

Bệnh gây ra những biến chứng gì?

Biến chứng mạn của ĐTĐ có 2 nhóm chính: biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ.

  1. Biến chứng mạch máu lớn:

  • Ở mạch máu não gây đột quỵ: xuất huyết não, nhồi máu não.
  • Ở mạch máu tim gây bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, suy tim.
  • Ở mạch máu ngoại vi gây bệnh động mạch ngoại biên chi dưới có thể gây hoại tử chi, vết loét bàn chân là nguyên nhân hàng đầu đoạn chi không do chấn thương.
  1. Biến chứng mạch máu nhỏ:

  • Bệnh võng mạc ĐTĐ là nguyên nhân gây mù lòa.
  • Bệnh thận ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở bệnh nhân ĐTĐ.
  • Bệnh thần kinh ĐTĐ bao gồm: bệnh thần kinh tự chủ, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh đơn dây thần kinh, bệnh đám rối – rễ thần kinh.

Bệnh đái tháo đường được điều trị như thế nào?

Điều trị ĐTĐ bao gồm: điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc.

  1. Điều trị không dùng thuốc: bao gồm hoạt động thể lực và chế độ dinh dưỡng.

  • Hoạt động thể lực: Lựa chọn phương thức luyện tập phù hợp với sở thích và sức khỏe, mỗi người nên tập ít nhất 150 phút mỗi tuần.
  • Chế độ dinh dưỡng: không ăn đồ ngọt, hạn chế tinh bột, tăng cường chất xơ. Phương pháp đĩa thức ăn (đĩa trung bình 20-25 cm) là cách ăn đơn giản để tạo ra bữa thức ăn đủ dinh dưỡng và giúp kiểm soát đường huyết: (Có thể thay bằng hình đĩa thức ăn chổ này để bớt chữ)
  • 1/2 đĩa chứa rau củ ít tinh bột: măng tây, bông cải xanh hoặc súp lơ trắng, bắp cải, cà rốt…
  • 1/4 đĩa chứa các thức ăn nhiều protein cá, gà, thịt, đậu hủ, sản phẩm từ đậu nành và bơ…
  • 1/4 đĩa còn lại chứa nhóm thực phẩm tinh bột: cơm, bún, hủ tiếu, mì, khoai tây, khoai lang, bắp…
  1. Điều trị dùng thuốc: tùy từng loại ĐTĐ và tùy mức độ tăng đường huyết có thể lựa chọn điều trị thuốc viên hạ đường huyết, uống hay chích insulin.

  • Đái tháo đường típ 1: chích insulin nhiều mũi mỗi ngày.
  • Đái tháo đường típ 2: điều trị thuốc viên hạ đường huyết, uống hay chích insulin tùy mức độ tăng đường huyết và bệnh nhân có bệnh suy gan, suy thận đi kèm không.
  • Đái tháo đường thai kỳ: Hiện tại ở Việt Nam, Bộ Y tế chỉ cho sử dụng insulin trong ĐTĐ thai kỳ.

Kết luận

Đái tháo đường là bệnh lí gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị tốt có thể ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.

Bệnh có thể phòng ngừa được bằng chế độ ăn uống hợp lí, hoạt động thể lực lành mạnh, giảm cân nếu thừa cân, béo phì và điều trị các bệnh đồng mắc: cao huyết áp, rối loạn lipid máu.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế. 2020. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2.
  2. Hội Đái tháo đường và Nội tiết Tp.HCM. 2020. Sổ tay hướng dẫn dinh dưỡng cho người bệnh Đái tháo đường.

Biên soạn bởi:

BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Hiếu

Trưởng khoa Nội tiết – Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng

———————————————————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7