TĂNG HUYẾT ÁP & những điều bạn cần biết

Theo Hiệp hội Tim mạch học Việt Nam, tần suất Tăng huyết áp vẫn không ngừng gia tăng không những trên thế giới mà ngay tại Việt Nam. Năm 2018, trên toàn cầu có khoảng 1 tỷ người bị Tăng huyết áp và dự kiến sẽ tăng 1.5 tỷ vào năm 2025. Tăng huyết áp còn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm với khoảng 10 triệu người năm 2015, trong đó có: 4,9 triệu người do bệnh mạch vành; 3,5 triệu người do đột quỵ. Đây cũng là yếu tố nguy cơ chính của suy tim, rung nhĩ, bệnh thận mạn, bệnh mạch máu ngoại vi, suy giảm chức năng nhận thức …

Tăng huyết áp và bệnh tim mạch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Một người mắc bệnh tăng huyết áp sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cao hơn người bình thường. Bệnh sẽ biểu hiện qua con số huyết áp thay đổi thất thường. Đáng lo ngại, tăng huyết áp là bệnh dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Chính vì thế, nhân dịp hưởng ứng “Ngày phòng, chống tăng huyết áp thế giới: 17-5-2022” với chủ đề “Measure Your Blood Pressure Accurately, Control It, Live Longer” – tạm dịch là “Chỉ số huyết áp: Đo chính xác – Kiểm soát chặt chẽ – Nâng cao chất lượng cuộc sống”, hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng tìm hiểu thêm thông tin về huyết áp và ý nghĩa của chỉ số này.

1. Huyết áp là gì & Ý nghĩa chỉ số huyết áp

Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch.

Ý nghĩa của số huyết áp được đánh giá dựa vào 2 chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa, thể hiện là chỉ số trên trong kết quả đo huyết áp. Đây là giá trị huyết áp cao nhất, là áp lực của máu tác động lên thành mạch khi tim đập tống máu đi (khi tim co bóp)
  • Huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu thể hiện là chỉ số dưới trong kết quả đo huyến áp. Đây là giá trị huyết áp thấp nhất, là áp lực máu lên thành động mạch giữa các nhịp tim lúc cơ tim giãn ra (thả lỏng)

Theo phân loại của Hội tim mạch và huyết áp Châu Âu (ESC/ESH) năm 2018, huyết áp bình thường được xác định khi huyết áp tâm thu: từ 90 mmHg đến 129 mmHg, huyết áp tâm trương: từ 60 mmHg đến 84 mmHg. Tăng huyết áp được định nghĩa khi huyết áp tâm thu:  tại phòng khám ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, tương đương với huyết áp lưu động 24 giờ trung bình ≥ 130/80 mmHg hoặc huyết áp tại nhà trung bình ≥ 135/85 mmHg.

2. Tại sao nên quan tâm/ ghi nhớ số huyết áp?

Theo thống kê ở Việt Nam, cứ 4 người lớn thì có 1 người mắc tăng huyết áp. Theo các chuyên gia tim mạch, tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng”. Vì người bệnh thường hầu như không có triệu chứng nên thường rất dễ bỏ qua, không kiểm tra huyết áp định kỳ thường xuyên, dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, suy tim, suy thận và các vấn đề sức khỏe khác. Hậu quả là liệt, tàn phế, mất sức lao động nếu không được điều trị kịp thời và thậm chí có thể gây tử vong.

3. Những ai có nguy cơ mắc cao huyết áp?

Nếu có một hoặc nhiều yếu tố được liệt kê dưới đây, bạn có thể thuộc vào nhóm có nguy cơ bị cao huyết áp:

  • Tuổi: người lớn tuổi có nguy cơ cao huyết áp;
  • Giới tính: phụ nữ sau mãn kinh có nhiều khả năng sẽ mắc cao huyết áp hơn và đàn ông dưới 45 tuổi có nhiều khả năng mắc cao huyết áp hơn so với phụ nữ;
  • Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng bị cao huyết áp;
  • Tiền sử gia đình: nếu các thành viên trong gia đình của bạn (cha mẹ hoặc anh chị) mắc bệnh cao huyết áp, bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh;
  • Thừa cân;
  • Mắc chứng ngưng thở lúc ngủ;

Đặc biệt các thói quen trong sinh hoạt hàng ngày cũng là những yếu tố gây nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp như là:

  • Không tập thể dục thường xuyên;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh (thói quen ăn mặn, ăn nhiều loại fast-food…);
  • Uống rượu;
  • Hút thuốc lá;
  • Căng thẳng…

4. 10 lời khuyên để bảo vệ trái tim theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới (World Heart Federation- WHF)

  • Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa, không nên ăn mặn
  • Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 – 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch
  • Không hút thuốc lá (thuốc lào, thuốc lá điện tử, shisha) vì hút thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác
  • Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên
  • Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, Triglycerit, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình
  • Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm trọng lượng của bạn cũng tăng lên và gây bệnh Tăng huyết áp
  • Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình, công sở, nơi công cộng
  • Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc
  • Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh
  • Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả

Hãy quan tâm nhiều hơn đến huyết áp của mình và ngay khi có những dấu hiệu bất thường của cơ thể, bạn nên đăng ký thăm khám sớm cùng với các Bác sĩ Tim mạch tại BVĐK Hồng Hưng để được tư vấn chi tiết và thăm khám sớm tình trạng sức khỏe của bản thân, giúp kịp thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan khác.

 

Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ ĐẶT LỊCH NGAY:

  • Qua Hotline: (0276) 3836 991 – 0941 6969 39
  • Qua ứng dụng “BV Hồng Hưng – Đăng ký Khám bệnh” trên CH Play: Tải APP ngay

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00