Những điều cần biết về đột quỵ

Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật nặng nề nếu không được xử trí kịp thời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ và hành động đúng có thể cứu sống người bệnh và giảm thiểu hậu quả lâu dài.

dot quy

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là tình trạng gián đoạn dòng máu đến não, khiến các tế bào não không nhận được oxy và chết dần. Mỗi năm, có 200.000 người tại Việt Nam bị đột quỵ. Đây là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu.

Đột quỵ bao gồm hai loại:

  • Nhồi máu não (đột quỵ thiếu máu cục bộ): xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu lên não.
  • Xuất huyết não (đột quỵ chảy máu): xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, tràn máu vào não.

Tại sao cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời?

  • Mỗi phút trôi qua, có đến 9 triệu tế bào não chết đi trong cơn đột quỵ.
  • Cần phát hiện và điều trị sớm để tránh di chứng nặng nề hoặc tử vong.
  • Khoảng 1/3 các ca đột quỵ thiếu máu là không rõ nguyên nhân (gọi là đột quỵ ẩn – cryptogenic stroke), cần làm rõ nguyên nhân để phòng ngừa tái phát.

Biểu hiện lâm sàng hoặc dấu hiệu nhận biết

dot quy

Phương pháp điều trị

Cấp cứu ban đầu:

  • Gọi xe cấp cứu đến bệnh viện có đơn vị chuyên cấp cứu đột quỵ.
  • Cho bệnh nhân nằm nghiêng, đầu cao, nới lỏng quần áo.
  • Không cho uống thuốc, ăn uống hay tự điều trị tại nhà (cạo gió, bấm huyệt…).

Can thiệp y tế:

  • Thuốc tiêu huyết khối (tPA) trong vòng 5 giờ đầu.
  • Lấy huyết khối cơ học nếu tắc động mạch lớn trong vòng 6–24 giờ.
  • Điều trị nguyên nhân nền như rung nhĩ bằng thuốc chống đông máu.

Phòng ngừa tái phát:

  • Tìm và điều trị nguyên nhân gốc (nếu có).
  • Kiểm soát huyết áp, tiểu đường, mỡ máu.
  • Thay đổi lối sống: bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tập thể dục…

Đột quỵ không chừa một ai và có thể xảy ra bất ngờ, việc trang bị kiến thức cơ bản về nhận biết dấu hiệu sớm, gọi cấp cứu đúng cách và thực hiện lối sống lành mạnh là những bước quan trọng để bảo vệ bản thân và gia đình trước căn bệnh nguy hiểm này.

Tài liệu tham khảo

  1. Dawn O. Kleindorfer, Amytis Towfighi, Seemant Chaturvedi, et al. (2021), “2021 Guideline for the Prevention of Stroke in Patients With Stroke and Transient Ischemic Attack: A Guideline From the American Heart Association/American Stroke Association”, Stroke, 52, (7), e364-e467.
  2. Bộ Y tế, Quyết định số 3312/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đột quỵ não”. 2024: 1-35.

Được biên soạn bởi BS Đinh Trí Thức

Khoa Hồi sức tích cực (ICU)

———————————————————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 6h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7