Bệnh mạch vành – nỗi lo không chỉ của người lớn tuổi

Ngày nay, bệnh lý tim mạch đã trở thành bệnh lý gây tử vong số một trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) năm 2015, hằng năm ước tính có tới 17,5 triệu người trên thế giới tử vong do bệnh tim mạch và chủ yếu là tim mạch do xơ vữa, trong đó có đến 85% người chết do bệnh mạch vành hoặc đột quỵ não.

Bệnh mạch vành (BMV) là hậu quả của mất cân bằng cung cầu oxy cơ tim do tưới máu không đủ, gây thiếu máu cơ tim hoặc hoại tử cơ tim.

bệnh mạch vành

1. Đối tượng thường mắc bệnh

Bệnh mạch vành thường gặp ở lứa tuổi trung niên và nguy cơ mắc tăng dần theo tuổi. Tuy nhiên, do lối sống ít vận động thể lực, thừa cân, áp lực công việc gia tăng, hút thuốc lá nên trên thế giới hiện nay đang ghi nhận tình trạng trẻ hóa số người bệnh mạch vành. Chính vì thế, ngay khi ghi nhận những dấu hiện nghi ngờ bệnh mạch vành, bệnh nhân cần được kiểm tra đánh giá sớm.

2. Dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh mạch vành

  • Cơn đau ngực, khó thở khi gắng sức, stress là một dấu hiệu thường gặp. Bệnh nhân (BN) có cảm giác đau vùng ngực trái hay sau xương ức, cảm giác đè nặng, ép chặt, lan lên vai , cổ, cánh tay; cơn đau thường kéo dài dưới 15 phút (thông thường 3-5 phút, hiếm khi kéo dài vài giây)
  • Khi cơn đau kéo dài hơn 15 phút, bệnh nhân phải đến bệnh viện ngay để được điều trị tích cực
  • Ngoài ra, bệnh mạch vành còn biểu hiện ở một số triệu chứng như hụt hơi, chóng mặt, hồi hộp, tim đập không đều, choáng…

3. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

  • Nhồi máu cơ tim cấp là một biến cố nặng, cấp cứu của bệnh lý mạch vành, là nguyên nhân gây tử vong tim mạch hàng đầu và các biến chứng nặng nề về sau.
  • Suy tim: do thiếu máu cục bộ cơ tim kéo dài hoặc do sau nhồi máu cơ tim, làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng tỉ lệ phải nhập viện điều trị. Phân nửa bệnh nhân suy tim tử vong trong 5 năm.
  • Rối loạn nhịp: do thiếu máu cục bộ, sẹo sau nhồi máu cơ tim gây những rối loạn nhịp tim như Block nhĩ thất, nhịp chậm, ngoại tâm thu thất, nguy hiểm hơn có thể gây nhịp nhanh thất, rung thất gây đột tử.

bệnh mạch vành

4. Điều trị bệnh mạch vành

  • Thay đổi lối sống: theo khuyến cáo chung trong bệnh lý động mạch vành mạn: cần bỏ thuốc lá, thực hiện chế độ ăn lành mạnh, hạn chế rượu, kiểm soát cân nặng, tập luyện thể dục thường xuyên, điều trị các rối loạn tâm lý – nếu có, tránh môi trường ô nhiễm và tiêm phòng cúm hằng năm…
  • Điều trị dùng thuốc: giảm triệu chứng của đau thắt ngực, thiếu máu cục bộ cơ tim do gắng sức và phòng ngừa các biến cố tim mạch.
    • Nhóm thuốc giảm triệu chứng do thiếu máu cục bộ cơ tim: nhóm Nitrate, nhóm thuốc chẹn beta giao cảm, nhóm thuốc chẹn kênh canxi và một số nhóm thuốc khác như Ivabradin, Nicorandil, Trimetazidime
    • Nhóm thuốc phòng ngừa các biến cố tim mạch: nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc điều trị rối loạn lipid máu, thuốc ức chế hệ Renin-Angiotensin-Aldosterone
  • Ổn định các bệnh mãn tính đồng mắc khác: Đái tháo đường, bệnh thận mạn…

Can thiệp mạch vành: được chỉ định ở những bệnh nhân mạch vành có nguy cơ rất cao ( có cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn; suy chức năng tâm thu thất trái; tổn thương động mạch vành nặng, nguy hiểm: như tắc thân chung động mạch vành trái, tắc nhiều nhánh), điều trị nội khoa tối ưu nhưng không giảm cơn đau

Có 2 hình thức can thiệp mạch vành: được lựa chọn tuỳ thuộc vào số lượng mạch vành bị hẹp và dạng tổn thương của động mạch vành

  • Can thiệp mạch vành qua da (đặt stent mạch vành): Stent mạch vành là những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào trong lòng mạch vành, nhằm mục đích mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ nó không hẹp lại.

Những bệnh nhân được đặt stent mạch vành cần phải uống thuốc liên tục và điều đặn để phòng ngừa tắc stent do huyết khối và tái hẹp. Thuốc kháng kết tập tiểu cầu và statin là những thuốc quan trọng nhất để phòng ngừa.

  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: là một phẫu thuật nhằm tái thông lại dòng chảy mạch vành, thường được sử dụng để cải thiện dòng máu nuôi tim cho những bệnh nhân hẹp mạch vành mức độ nặng. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng một đoạn động mạch hay tĩnh mạch lành lặn (thường dùng động mạch vú trong, động mạch quay hay tĩnh mạch hiển) để nối từ động mạch chủ đến động mạch vành bị hẹp

BVĐK Hồng Hưng hiện đang áp dụng kỹ thuật CT cho bệnh nhân có nhu cầu chẩn đoán bệnh mạch vành. Với đội ngũ y bác sĩ tận tâm, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại như:

  • Trang bị máy CT Siemens Go Top128 lát cắt sản xuất năm 2020: bảo đảm được yêu cầu kỹ thuật chụp mạch vành chất lượng, hình ảnh đẹp, rõ nét với phần mềm chuyên dụng hiện đại, giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý về mạch vành.
  • Kết quả hình ảnh được đọc bởi Trung tâm chẩn đoán y khoa MEDIC – Hoà Hảo (TP.Hồ Chí Minh) – trung tâm kinh nghiệm lâu năm và uy tín nhất về chẩn đoán CT mạch vành

Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi qua số Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939.

Bài viết được sự tư vấn chuyên môn của BS.CKI Nguyễn Tiến Duy – Khoa Nội Tim mạch – Nội tiết, BVĐK Hồng Hưng.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Khoa Nội tim mạch – Nội tiết, Tầng 4, Khu B

Thời gian phục vụ: Từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00

. Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh

. Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939

. Email: info@honghunghospital.com.vn

. Website: www.honghunghospital.com.vn

. Fanpage: Hong Hung Hospital