Bướu cổ: bệnh lý không nguy hiểm nhưng cần thăm khám, điều trị sớm và đúng cách

Bướu cổ là cách gọi dân gian, quen thuộc của người dân đối với tình trạng cổ bị phình to bất thường. Y học gọi bướu cổ là phình giáp, bướu giáp đơn thuần, phình giáp hạt (đơn hoặc đa nhân). Phần lớn bướu cổ là bướu lành tính, tuy nhiên, nếu thăm khám và điều trị muộn sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh, đơn cử như trường hợp của một bệnh nhân Campuchia vừa thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng thời gian gần đây.

1. Tổng quan về ca bệnh

Bệnh nhân là người Campuchia, khoảng 48 tuổi, đã mắc bệnh tuyến giáp trên 10 năm với bướu thuộc loại lớn. Trước đó, bệnh nhân có thực hiện đốt bướu – một trong những phương pháp dân gian được lưu truyền tại khu vực sinh sống của bệnh nhân ở Campuchia. Tuy nhiên, đây có thể là phương pháp không đúng và thiếu khoa học, nên không chỉ để lại nhiều dấu đốt mất thẩm mỹ trên cổ bệnh nhân mà còn không đem lại hiệu quả, khiến bướu ngày càng to hơn. Khi đến Bệnh viện Hồng Hưng, bướu của bệnh nhân đã to ngang mặt, với kích thước tầm 18-20cm/chiều và thuộc nhóm bướu giáp phân độ 2.

Hình ảnh bệnh nhân trước khi thực hiện phẫu thuật bướu cổ

Xem thêm: Thực tế, có rất nhiều cách và tiêu chuẩn để phân độ bướu giáp. Chủ yếu sẽ phụ thuộc vào hình thái, kích thước, chức năng hay tính chất của bướu. Cơ bản nhất, dựa vào kích thước bướu giáp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chia bướu giáp làm 3 mức độ từ 0 đến 2 như sau:

  • Độ 0: là bướu nhỏ không thể sờ được và không thể nhìn thấy được.
  • Độ 1: bướu sờ được nhưng không nhìn thấy được ở tư thế ngồi hay nằm bình thường.
  • Độ 2: cổ to ra dễ nhìn thấy ở vị trí bình thường và sờ thấy tuyến giáp to tương ứng.

2. Những ảnh hưởng của bướu giáp to đến sức khỏe người bệnh

Khi tuyến giáp quá to, không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như:

  • Suy hô hấp mãn tính do đường thở bị đè ép lâu ngày. Người bệnh không hô hấp đủ để cung cấp oxy cho cơ thể.
  • Sụt cân, suy dinh dưỡng do bệnh nhân chán ăn, ăn kém. Tuyến giáp to chèn thực quản làm bệnh nhân khó nuốt. Lâu ngày bệnh nhân sẽ ăn càng ít và mất hứng thú với việc ăn uống. Một số người bệnh sợ ăn vì đau mỗi khi nuốt.
  • Ho mãn tính do tuyến giáp kích thích đường thở. Ho quá nhiều và thường xuyên làm bệnh nhân rất khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến công việc và đời sống. Ngoài ra, ho nhiều làm tăng nguy cơ mắc thoát vị ổ bụng, tiêu tiểu không tự chủ…
  • Sặc do bệnh nhân không nuốt được sẽ trào ngược thức ăn ra ngoài. Nếu thức ăn đi vào khí quản và phổi sẽ gây viêm phổi, thường rất nặng nề.
  • Khàn tiếng vì dây thần kinh thanh quản bị tổn thương do đè ép lâu ngày.
  • Ngưng thở khi ngủ là một trong những triệu chứng nặng nề. Người bệnh thường sẽ ngáy to, có những đợt ngừng thở khi ngủ. Việc này có thể đánh thức người bệnh trong đêm, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Dần dần, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ thường xuyên, kiệt sức.

3. Công tác phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân và lời khuyên từ bác sĩ

Ở trường hợp bệnh nhân Campuchia kể trên, vì bướu khá to, nên các mạch máu (tĩnh mạch) ở xung quanh cổ để nuôi bướu trở nên phình to bất thường, tăng nguy cơ mất máu nhiều cho bệnh nhân trong và sau khi thực hiện ca mổ. Bên cạnh đó, bướu to gây chèn ép các cấu trúc thần kinh mạch máu, khí quản làm tăng nguy cơ cho cuộc phẫu thuật.

Trước khi mổ, đội ngũ bác sĩ & điều dưỡng Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, BVĐK Hồng Hưng đã tiên lượng ca mổ này có thể gặp không ít khó khăn trong các công tác Gây mê – Hồi sức trước và sau mổ, bao gồm:

  • Công tác đặt nội khí quản cho bệnh nhân trước khi mổ: bướu to có thể gây chèn ép và đẩy lệch khí quản và dụng cụ được sử dụng nên tập thể Gây mê – Hồi sức phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và phương án cho trường hợp đặt nội khí quản khó.
  • Công tác hồi sức sau phẫu thuật: do bướu to chèn ép lâu ngày nên sau phẫu thuật, khi bệnh nhân tỉnh mê và được rút ống nội khí quản sẽ có nguy cơ xẹp khí quản và suy hô hấp.

Vì những lý do trên, đội ngũ bác sĩ phẫu thuật và e-kip gây mê hồi sức đã chuẩn bị tất cả những phương án ứng phó cần thiết, để luôn trong tư thế sẵn sàng cho những công tác như: nếu cần, sẽ đặt lại nội khí quản gấp cho bệnh nhân hoặc sẽ treo hay mở khí quản cấp cứu… Bằng sự nỗ lực của cả e-kip, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công, không ghi nhận biến chứng.

Một số hình ảnh của ca phẫu thuật

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chăm sóc nội trú tại khoa Chấn Thương Chỉnh Hình – Lồng Ngực – Mạch máu (Khoa Ngoại B). Sau 2-3 ngày lưu viện, bệnh nhân đã xuất viện và về nước.

Hình ảnh bệnh nhân sau khi quay lại thăm khám.

10-12 ngày sau khi xuất viện, theo lịch tái khám, bệnh nhân quay trở lại Bệnh viện để được các bác sĩ đánh giá vết mổ, tình trạng hồi phục và nhận kết quả giải phẫu bệnh. Kết quả cho thấy bướu là lành tính, đúng như tiên lượng trước đó của đội ngũ y bác sĩ.

Xem thêm

Theo lời khuyên từ ThS.BS Huỳnh Minh Phương – bác sĩ điều trị chính và thực hiện ca mổ cho bệnh nhân, ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường như: khó thở, khó nuốt, ho, thở rít, khò khè, thay đổi giọng nói, sặc…; bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để được các bác sĩ chuyên môn thăm khám, tư vấn chi tiết về tình trạng bệnh cũng như cách thức điều trị dứt điểm, hiệu quả; không nên tin dùng những phương pháp dân gian được lưu truyền mà chưa kiểm nghiệm, tránh để bệnh diễn tiến nặng và gây ra những biến chứng không mong muốn.

Để biết thêm thông tin chi tiết cũng như đăng ký thăm khám, Quý bà con có thể liên hệ ĐẶT LỊCH:

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00. Cấp cứu: 24/7