Những bệnh truyền nhiễm thường gặp ở bé – cách nhận biết & xử lý kịp thời

Hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều là bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng và diễn biến khá phức tạp.

Những bệnh này thường làm cho cơ thể người bệnh suy sụp nhanh chóng nếu không nhận được sự trợ giúp y tế kịp thời. Đối với trẻ nhỏ, việc phòng ngừa, nhận biết trẻ có đang mắc phải một trong những bệnh truyền nhiễm này không lại càng cần thiết và quan trọng hơn đối với các bố mẹ.

bệnh truyền nhiễm thường gặp

Để không phải hoài nghi, lo lắng khi con có các biểu hiện bất thường, bố mẹ cần chuẩn bị một số kiến thức cơ bản để phân biệt và xử trí ban đầu khi bé mắc phải. Dưới đây là một số bệnh truyền nhiễn bé thường mắc phải trong mùa này.

 1.Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh đã nhiễm vi-rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Ở Việt Nam bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

♻Dấu hiệu nhận biết

  •  Sốt cao 39 – 40 độ C liên tục kéo dài 02 – 07 ngày, khó hạ sốt
  • Khi sốt có cảm giác ớn lạnh, người bệnh bị đau nhức đầu, chủ yếu 2 bên thái dương và sau gáy. Đau nhức 2 bên hốc mắt, bên cạnh đó cũng xuất hiện triệu chứng ho khan, rát họng.
  • Về tiêu hóa, trẻ ăn uống kém và nôn ói

♻Cách chăm sóc:

  • Khi bé sốt cao trên 38,5 độ C, cần dùng thuốc hạ sốt paracetamol 10-15mg/kg/lần, 3 đến 4 lần/ngày kết hợp chườm bằng nước ấm, dán miếng dán hạ sốt. Đặc biệt không dùng thuốc hạ số chứa Ibuprofen và Aspirin vì có nguy cơ chảy máu.
  • Cần cho bé nằm chỗ thoáng mát, quần áo dày, quấn khăn ủ ấm
  • Cho bé uống đủ nước, ăn đồ ăn lỏng, nấu chín mềm, chia nhiều bữa nhỏ.

♻ Cách phòng tránh:

  • Tránh muỗi đốt (lưu ý mũi hay đốt lúc chạng vạng) lúc ngồi học, chơi, ăn cơm cần có ánh sáng đầy đủ, quần áo dài tay, kết hợp sử dụng thêm nhang muỗi hoặc kem chống muỗi
  • Cho bé ngủ mùng; vệ sinh bụi rậm, đồ vật chứa nước đọng quanh nơi sinh sống do muỗi truyền bệnh SXH thường sống nơi nước trong; nên lu khạp chứa nước cần đầy nắp, nước mưa đọng ở chai lọ quanh nhà cần đổ và úp lại, bình hoa trong nhà cần thay nước thường xuyên,…
  • Phun thuốc trừ muỗi định kỳ

Nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ kịp thời chẩn đoán và điều trị.

2.Tay chân miệng

Bệnh Tay Chân Miệng (BTCM) là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.

Tay chân miệng ở trẻ là một trong những bệnh rất là phổ biến và thường gặp quanh năm có thể tạo thành dịch ở những nơi sống chật hẹp, vệ sinh kém, nhà trẻ,… với những lý do về thời tiết cũng như thói quen ngậm tay trong miệng và sử dụng các đồ chơi bẩn của các bé. Đỉnh dịch thường vào sau Tết và sau hè.

♻Dấu hiệu nhận biết

  • Sốt: sốt nhiều mức độ khác nhau
  • Tổn thương ở da: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
  • Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc..
  • Khi có dấu hiệu nặng cần nhập viện như: sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, quấy khóc bỏ ăn bỏ bú, ngủ giật mình.

♻Cách chăm sóc:

  • Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…
  • Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt… Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

♻ Cách phòng tránh:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày
  • Vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường
  • Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ kịp thời chẩn đoán và điều trị.

3.Bệnh sởi

Bệnh sởi do vi-rút sởi gây ra. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp nên rất dễ lan truyền xung quanh.

Khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, vi rút gây bệnh có thể phát tán ra ngoài không khí. Người chưa có miễn dịch hít vào sẽ bị lây bệnh. Chính vì tốc độ lây lan nhanh chóng mà sởi trở thành một trong những bệnh truyền nhiễm đáng lưu ý nhất hiện nay.

♻Dấu hiệu nhận biết

  • Sốt cao từ 39 – 40 độ C
  • Nhức mỏi, mắt đỏ do viêm kết mạc, mũi chảy dịch, ho, hắt hơi, đau họng, chán ăn, người xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti.
  • Các nốt phát ban thường mọc ở mặt, vùng vai gáy trước rồi lan dần ra khắp cơ thể
  • Bé dễ gặp phải các biến chứng như: tiêu chảy cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí là viêm não, mù lòa, viêm cơ tim…

♻Cách chăm sóc:

  • Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ
  • Thay quần áo, vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần.

♻ Cách phòng tránh:

  • Vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ
  • Nếu có tiếp xúc với người bệnh cần rửa tay, sát khuẩn sạch sẽ.
  • Nếu dịch sởi bùng phát cần hạn chế đến nơi tập trung đông người
  • Tiêm ngừa vắc-xin ngừa sởi đúng lịch, đủ mũi khi đến độ tuổi cho phép tiêm ngừa.

Nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ kịp thời chẩn đoán và điều trị.

4.Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu do vi-rút có tên Varicella Zoster gây ra, thường xuất hiện vào cuối đông, đầu xuân kéo dài sang hè, hay gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, có thể trở thành dịch ở nhà trẻ, trường học. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với vi-rút qua nước bọt, dịch tiết mũi hoặc dịch từ các nốt phỏng vỡ ra.

♻Dấu hiệu nhận biết

  • Sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước
  • Xuất hiện những “nốt rạ” – nốt ban phỏng nước, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước, dịch trong, thường hay ngứa, có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt
  • Những trường hợp bội nhiễm, phỏng nước sẽ có màu đục, vàng…

♻Cách chăm sóc:

  • Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch, đổi với trẻ nhỏ nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
  • Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch, mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng.
  • Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, uống nhiều nước
  • Vệ sinh vùng mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%
  • Sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn của bác sĩ

♻ Cách phòng tránh:

  • Cách phòng tránh tối ưu nhất hiện nay là tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu cho trẻ
  • Không được sử dụng chung đồ dùng cá nhân hoặc chạm vào mụn nước của người mắc thủy đậu

Nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ kịp thời chẩn đoán và điều trị.

Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi qua số Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939.

=======================

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00

  • Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
  • Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
  • Email: info@honghunghospital.com.vn
  • Website: www.honghunghospital.com.vn
  • Fanpage: Hong Hung Hospital