Khói thuốc lá – sát thủ chính gây ung thư phổi

ThS.BS. Lương Thị Thuận
Bác sĩ Khoa Khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

“Một bệnh nhân nam, 58 tuổi đến bệnh viện khám vì đau ngực phải, khó thở. Sau khi khám bệnh, làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện anh bị ung thư phổi, di căn màng phổi. Anh cho biết đã hút thuốc lá 1 gói/ ngày, kéo dài 38 năm, đã bỏ thuốc lá 4 lần nhưng không thành công. Anh biết rằng khói thuốc lá làm tắc nghẹt đường thở, ho khạc đàm, nguy cơ ung thư. Anh cũng biết rằng lúc đang bệnh nặng, nằm viện bỏ thuốc là rất dễ. Tuy nhiên, sẽ rất dễ hút thuốc lá lại nếu tâm trạng không thoải mái, không ổn định, thêm vào đó, nghề tài xế của anh cũng khiến anh khó bỏ thuốc dứt điểm. Mỗi khi hút trở lại với số điếu tăng dần, có khi đến 40 điếu 1 ngày”.

Trên đây là một trong rất nhiều trường hợp ung thư phổi mà các thầy thuốc gặp phải. Ai cũng có thể bị ung thư phổi. Vậy ung thư phổi là gì? Khói thuốc lá ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?

Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi xảy ra khi những tế bào ở phổi bị đột biến (thay đổi vĩnh viễn của DNA trong gen tế bào) và biến đổi thành những tế bào bất thường. Các tế bào phổi bất thường này phân chia và tăng sinh một cách không kiểm soát tạo thành khối u, sau đó, xâm lấn các mô lân cận và mô ở xa (di căn).

Nhiều người ung thư phổi không có triệu chứng (khoảng 13%) cho đến khi bệnh đến giai đoạn trễ. Do chỉ có vài dây thần kinh có đầu tận ở phổi nên khối u trong phổi có thể lớn dần lên mà không gây đau hoặc khó chịu cho người bệnh.

Các triệu chứng khác nhau ở mỗi người, bao gồm: ho dai dẳng trên 3 tuần và nặng dần theo thời gian, khàn tiếng, đau ngực liên tục, khó thở hoặc thở khò khè, dễ bị nhiễm trùng hô hấp như viêm phế quản phổi tái đi tái lại, ho ra máu. Khi ung thư lan đến những nơi khác ngoài phổi (di căn), người bệnh có dấu hiệu sụt cân không có lý do, ăn không ngon, đau đầu, đau nhức xương hoặc gãy xương, mệt mỏi, hạch sưng to ở thượng đòn hoặc trong ngực.

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bị ung thư toàn cầu. Ở Việt Nam, ung thư phổi là căn bệnh xếp thứ nhất trong số 10 loại ung thư thường gặp ở cả nam giới và nữ giới. Theo số liệu của Bệnh viện Ung bướu Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ung thư phổi

Khói thuốc lá, xì gà và thuốc lào là nguyên nhân chính. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến ung thư phổi như là: tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi (có thể bị ung thư phổi cao gấp đôi so với những người không có người thân bị ung thư phổi), rủi ro môi trường (phơi nhiễm phóng xạ, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với các chất Amiăng, Asen, Crom, Niken, Beryllium, Cadmium, Tar và bồ hóng).

Có 10-20% người bị ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc.

Khói thuốc lá có tác hại như thế nào?

Khói thuốc lá là sát thủ vô hình đối với bản thân người hút và những người khác.

Việt Nam là một trong 15 nước có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới. Đặc biệt hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ, trong đó có các em là học sinh nữ…

  • Trong điếu thuốc lá có chứa nhiều chất hóa học vô cùng độc hại như: nhựa keo, chất thơm, muội than, thuốc trừ sâu, thuốc xịt rận… thức ăn của chim hay các loài thú nhỏ.
  • Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 chất độc hại ở thể khí và hạt có kích thước rất nhỏ, có thể vào đến tận cùng trong phổi, trong đó có 69 chất gây ung thư.

Có 3 dòng khói thuốc lá, khi hút thuốc, 20% khói thuốc được hút vào qua dòng chính ở 950°C, 80% khói thuốc do người hút thuốc thở ra ngoài môi trường, dòng 3 là khói thuốc tỏa trực tiếp từ đầu điếu thuốc đang cháy ở 500°C và tạo ra nhiều chất độc hại gấp 21 lần so với khói mà người hút trực tiếp hít vào, vì sự đốt cháy không hoàn toàn ở nhiệt độ thấp hơn. Đứng cách điếu thuốc đang cháy 50cm, người không hút sẽ hít vào phổi lượng hợp chất carbonic gấp 10 lần so với người hút trực tiếp.

Khoa học đã chứng minh, khói thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới, chỉ sau tăng huyết áp, cứ 10 người có 1 người chết sớm vì thuốc lá. Những người hút nhiều thuốc lá dễ bị các loại ung thư, bệnh hô hấp, bệnh tim mạch… Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn số người chết vì HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông đường bộ.

Ngoài ra, Nicotin trong khói thuốc lá gây nghiện và nhiễm độc mạn tính. Nicotin trong một điếu thuốc lá đủ làm chết một con chuột, trong một gói thuốc đủ làm chết một con bò. Nicotin cũng là “SÁT THỦ GIÁN TIẾP GIẤU MẶT” vô cùng nguy hiểm do gây nghiện.

Hút thuốc lá gây ung thư phổi như thế nào?

Thông thường, khi hít thở, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi – nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi đi qua khí quản để vào phổi. Khi khói thuốc đi vào miệng, người hút thuốc đã bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi nên sẽ đưa nhiều độc tố vào cơ thể hơn.

Người hút thuốc lá thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút thuốc và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp cũng kém hơn do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt hoặc thậm chí đã bị phá hủy. Bên cạnh đó, khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy cũng như thành phần của chất nhầy. Đôi khi, các tuyến tiết nhầy bị tắc, làm giảm khả năng bài tiết đờm của người hút thuốc. Hậu quả là chất nhầy bị nhiễm nhiều chất độc hại từ khói thuốc, bị giữ lại trong phổi và cản trở sự lưu thông trao đổi không khí.

Khói thuốc lá, xì gà, thuốc lào làm hỏng các lớp lót bên trong phổi. Mặc dù, cơ thể có cơ chế tự phục hồi nhưng khi tiếp xúc liên tục với khói thuốc, chúng dần dần không có khả năng sửa chữa nữa.

Khói thuốc lá là căn nguyên gây ung thư phổi, khiến cho 2/3 người ung thư phổi toàn thế giới bị chết. Người đang hút thuốc lá nếu bỏ được thuốc lá 10 năm sẽ giảm nguy cơ bị ung thư phổi xuống một nửa. Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tùy theo loại tế bào ung thư. Người hút thuốc chức năng phổi hoạt động kém hơn người bình thường từ 2-4 lần, nếu nghiện thuốc trước năm 15 tuổi có nguy cơ ung thư gấp 4 lần so với người hút thuốc sau năm 25 tuổi.

Người hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn từ 30% – 100% so với người không bị tiếp xúc với khói thuốc lá. Có khoảng 17% các ca ung thư phổi trong số những người không hút thuốc là do hút thuốc thụ động tại gia đình khi còn trẻ gây nên. Khói thuốc lá thụ động gây tử vong cho 1,2 triệu người mỗi năm, trong đó, có 64% nạn nhân là phụ nữ và 15% là trẻ em.

Cách phòng tránh ung thư phổi

Bảo vệ phổi là một trong những cách giữ cho lá phổi khỏe mạnh và giảm nguy cơ ung thư phổi. Các cách để bảo vệ phổi có thể kể đến như là:

  • Không hút thuốc lá,
  • Tránh tiếp xúc các chất ô nhiễm trong nhà,
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc các chất ô nhiễm ngoài trời,
  • Ngăn ngừa bị nhiễm trùng,
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ,
  • Tập luyện thể dục.

Kết luận

Nghiện thuốc là rất dễ, cai thuốc lá thành công không khó nếu có kế hoạch tốt cùng với quyết tâm cao của bản thân, sự động viên hỗ trợ của mọi người. Một người cai thuốc lá thành công là mang lại hạnh phúc cho nhiều người trong đó có bản thân họ.

“Hãy chọn sức khỏe, không chọn thuốc lá.”

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 1 – năm 2023,
Chủ đề: Ung thư & Những điều bạn cần biết
(xem toàn bộ bản tin:  Tại đây)