Viêm kết mạc mùa xuân

BS.CKI Võ Lê Vân

Bác sĩ Mắt, Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Viêm kết mạc mùa xuân là gì?

Viêm kết mạc mùa xuân là một dạng bệnh dị ứng gây viêm đỏ ở kết mạc, có thể tiến triển nặng gây giảm thị lực nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng. Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân và có tỉ lệ cao ở bé trai từ 5 đến 13 tuổi, có cơ địa dị ứng.

Bệnh có thể thuyên giảm và ổn định vào mùa thu, mùa đông rồi lại tái phát vào mùa xuân. Một số trẻ có thể tự khỏi bệnh khi đến tuổi trưởng thành.

Nguyên nhân gây viêm kết mạc mùa xuân

Nguyên nhân chủ yếu là mắt bị dị ứng khi tiếp xúc với phấn hoa. Mùa xuân các loài hoa nở rộ, phát tán phấn hoa trong không khí, khi phấn hoa bám vào niêm mạc mắt gây phản ứng quá mẫn cảm, các phản ứng viêm ở niêm mạc mắt. 

Đối tượng nguy cơ

Dị ứng di truyền

Viêm kết mạc mùa xuân thường xảy ra ở những người có tiền sử gia đình bị dị ứng, đặc biệt với các bệnh như viêm mũi dị ứng, hen suyễn và bệnh chàm, vảy nến và viêm tuyến giáp.

Giới tính

Tỷ lệ nam giới mắc bệnh này thường cao hơn nữ giới. Tuổi khởi phát thường trước 10 tuổi, với trường hợp khởi phát sớm nhất được báo cáo là lúc 5 tháng tuổi.

Viêm kết mạc mùa xuân hiếm khi xảy ra ở người lớn vì bệnh thường giảm dần và có thể hết hẳn khi đến tuổi dậy thì.

Nếu không tính đến tuổi tác viêm kết mạc mùa xuân chỉ chiếm 3-6%, nhưng ở trẻ em tỉ lệ này là 33% và tới 90% ở tuổi dậy thì.

Vùng địa lý

Viêm kết mạc mùa xuân thường xảy ra với các bé trai sống ở vùng cận nhiệt đới, nơi có khí hậu khô và ấm như Địa Trung Hải, Trung Đông, Trung và Tây Phi, Nam Mỹ và các nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ và Việt Nam.

Bệnh này thường hiếm gặp ở những vùng có khí hậu mát mẻ hơn chẳng hạn như Bắc Âu và các vùng ôn đới của Bắc Mỹ.

Biểu hiện của viêm kết mạc mùa xuân

  • Ngứa mắt là triệu chứng điển hình: ngứa dữ dội như muốn cào mắt ra, ngứa càng gãi càng thích, ngứa không làm gì nổi.
  • Các triệu chứng khác như: đỏ mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, tiết gỉ mắt dày dính, cộm xốn như có sạn cát trong mi mắt.
  • Khi lật mi lên thì thấy các biểu hiện nhú hình vuông, cứng, dẹt, có vỏ chắc chắn, dạng đá cuội màu hồng nhạt đến xá
  • Bệnh biểu hiện ở 2 bên mắt nhưng thường sẽ có 1 bên nặng hơn, tái phát hàng năm vào mùa xuân và khoảng 25% người bệnh trở thành mạn tính.

Phương pháp điều trị

Nguyên tắc điều trị viêm kết mạc mùa xuân là điều trị triệu chứng tại chỗ bằng các thuốc kháng dị ứng và kháng viêm, kết hợp với điều trị dị ứng.

Tùy vào mức độ mà sẽ có những cách điều trị cụ thể khác nhau. Viêm kết mạc nhẹ sẽ được điều trị bằng gạc lạnh với thuốc nhỏ mắt bôi trơn, những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định: thuốc chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch.

Có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt và thuốc uống có thể điều trị tốt viêm kết mạc mùa xuân. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự ý mua về dùng mà phải đến bác sĩ khám để được chẩn đoán chính xác trước khi bắt đầu điều trị. Bệnh viêm kết mạc mùa xuân rất dễ tái phát nên điều trị phải kiên trì và tuân thủ y lệnh của bác sĩ.

Các cách phòng ngừa bệnh

Phấn hoa phát tán khắp nơi trong không khí nhưng ta có thể phòng ngừa và hạn chế bằng các cách sau:

  • Tránh tiếp xúc với nắng, gió và nước muối, nếu không có thể làm bệnh nặng thêm.
  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng mắt như phấn hoa, bụi, vảy da thú cưng, hóa chất…
  • Không được dụi mắt bằng tay vì đó là nơi thường xuyên tiếp xúc với nhiều đồ vật dễ dàng dính bụi bẩn, vi trùng.
  • Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo hàng ngày để làm sạch mắt, tăng sức đề kháng, cải thiện thị lực.
  • Không trồng hoặc cắm hoa khi bị dị ứng với phấn hoa. Người bệnh nên tránh xa những loại cây này và cũng hạn chế bố trí hoặc trồng các loại hoa và cây trong nhà.
  • Nên đeo kính mỗi khi ra ngòai như là một thói quen, lớp kính sẽ bảo vệ mắt và giúp mắt hạn chế tiếp xúc với bụi, phấn hoa và các dị nguyên khác.

Kết luận

Viêm kết mạc mùa xuân tuy ít gặp nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh. Khi bệnh khởi phát, nên sớm đi thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ để nhanh chóng cải thiện bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.