Thay đổi lối sống để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm

ThS.BS Nguyễn Nhật An
Bác sĩ Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Tổng quan về bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BKLN là một nhóm bệnh có tính chất mạn tính, thời gian bệnh kéo dài, là hậu quả từ sự kết hợp của đa yếu tố, bao gồm: gen, sinh lý, môi trường sống và thói quen. BKLN không thể tự khỏi và hiếm khi đạt được điều trị bệnh một cách hoàn toàn.
Các đặc trưng của nhóm bệnh này là:

  • Nguyên nhân gây bệnh phức tạp (nhiều nguyên nhân),
  • Đa yếu tố nguy cơ (YTNC),
  • Thời gian tiềm ẩn dài (thời kỳ bệnh chưa bộc lộ nhưng người bệnh đã mắc),
  • Bệnh không làm lây nhiễm ra cộng đồng (bệnh không lây),
  • Thời gian mắc bệnh kéo dài (mạn tính),
  • Bệnh thường đưa đến rối loạn hoặc suy giảm chức năng sống.

BKLN có nhiều bệnh như: các bệnh lý về tim mạch (bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh xơ vữa động mạch…), các bệnh ung thư, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường, các bệnh thần kinh mạn tính (Alzheimer’s, suy giảm trí tuệ…), bệnh xương khớp (thấp, thoái hóa khớp, loãng xương…).
Trong số đó, người ta tập trung vào 4 nhóm bệnh chính, do rằng bệnh suất và tử suất của các bệnh này chiếm đa số và có xu hướng ngày càng gia tăng:

  • Bệnh lý tim mạch (tim và mạch máu),
  • Đái tháo đường (bệnh tiểu đường),
  • Ung thư,
  • Bệnh phổi mạn tính.

Gánh nặng bệnh tật của BKLN

  • Các BKLN gây ra cái chết của 41 triệu người mỗi năm, tương đương 74% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
  • Mỗi năm có 17 triệu người chết trước 70 tuổi vì BKLN, 86% số ca tử vong sớm này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
  • Trong số tất cả các trường hợp tử vong do BKLN, 77% là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia này).
  • 4 nhóm bệnh chính chiếm phần lớn các ca tử vong do BKLN: bệnh lý tim mạch làm 17,9 triệu người chết mỗi năm, tiếp theo là ung thư 9,3 triệu, bệnh phổi mạn tính 4,1 triệu và đái tháo đường 2,0 triệu (bao gồm cả tử vong do bệnh thận và do tiểu đường). Bốn nhóm bệnh này chiếm hơn 80% tổng số ca tử vong sớm do BKLN.

4 nhóm bệnh chính trong BKLN

Bệnh lý tim mạch

  • Bệnh tim mạch là một nhóm rối loạn bệnh lý của tim và mạch máu, bao gồm: bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não (đột quỵ), bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim bẩm sinh,
  • Bệnh tim mạch là nguyên nhân đứng đầu gây ra tử vong toàn cầu,
  • Ước tính có 17,3 triệu người chết vì nhóm bệnh này vào năm 2008, có thể tăng đến 25 triệu người vào năm 2030,
  • 80% số tử vong là ở các quốc gia thu nhập trung bình thấp (Việt Nam).

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)

  • Đái tháo đường (bệnh tiểu đường) là một rối loạn về chuyển hóa phức tạp, liên quan đến sự gia tăng mạn tính lượng đường trong máu, thường có rối loạn chuyển hóa lipid và tăng huyết áp đi kèm.
  • Bệnh có 4 type (ĐTĐ type 1, ĐTĐ type 2, ĐTĐ do các nguyên nhân khác và ĐTĐ thai kỳ), trong đó 85% là type 2.
  • Có 537 triệu người mắc ĐTĐ vào năm 2021, trong đó có 6,7 triệu ca tử vong. Ước tính từ 1 – 5 giây có thêm 1 người mới mắc. Số ca mắc dự đoán lên tới khoảng 643 triệu năm 2030.
  • 80% số bệnh nhân ĐTĐ là ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Bệnh ung thư

  • Ung thư là một rối loạn do sự tăng sinh bất thường, quá mức của bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể, vượt khỏi sự kiểm soát và điều hòa thông thường, dẫn đến việc hình thành các khối u, mà sau đó xâm chiếm và phát tán đi toàn thân.
  • 7 bệnh ung thư mắc nhiều nhất hiện nay theo thứ tự là: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư tử cung – cổ tử cung, chiếm hơn 50%, nguyên nhân còn lại là các loại ung thư khác.
  • Có 7,6 triệu người chết vì ung thư vào năm 2008, ước tính lên đến 13,1 triệu vào năm 2030.
  • 70% số bệnh nhân mắc ung thư ở các quốc gia thu nhập trung bình thấp, 30% do tác động từ các YTNC có thể thay đổi được.

Bệnh phổi mạn tính

  • Bệnh phổi mạn tính được nói đến gồm 2 bệnh: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng tắc nghẽn mạn tính của đường thở bị tổn thương không hồi phục, do tác động của thuốc lá.
  • Là nguyên nhân đứng thứ 3 gây ra tử vong trên toàn cầu.
  • Có 3,23 triệu người chết vì COPD vào năm 2019.
  • 90% tử vong do bệnh phổi mạn tính đến từ các quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Các BKLN, đặc biệt là 4 nhóm bệnh chính, thường có chung nhiều YTNC, vài yếu tố đến từ thói quen và hành vi của cá nhân, gây ra các rối loạn về mặt chuyển hóa trong cơ thể, tích tụ lâu ngày dẫn đến hình thành bệnh tật, các YTNC khác do tiền sử gia đình, môi trường sống, nhân trắc hoặc chủng tộc, tuy không thể thay đổi nhưng sự hiểu biết tường tận cũng giúp quản lý bệnh tật tốt hơn.

Các yếu tố nguy cơ

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), YTNC của một bệnh được định nghĩa là một khía cạnh của hành vi hoặc lối sống cá nhân, sự tiếp xúc với môi trường sống hoặc đặc điểm về di truyền, liên quan đến sự gia tăng xuất độ của một bệnh tật hoặc tình trạng sức khỏe. Trong BKLN, các YTNC gây bệnh được chia thành 2 nhóm:
Nhóm YTNC có thể thay đổi, bao gồm:

  • Trạng thái lười vận động,
  • Hút thuốc lá,
  • Lạm dụng đồ uống chứa cồn (rượu, bia…),
  • Chế độ ăn không lành mạnh (ăn nhiều dầu mỡ, ăn mặn, ít chất xơ và trái cây).

Nhóm YTNC không thể thay đổi, bao gồm:

  • Tuổi,
  • Giới tính,
  • Chủng tộc,
  • Tiền sử gia đình (yếu tố liên quan đến gen).

Thay đổi lối sống – đơn giản và hiệu quả giúp phòng ngừa BKLN

Khi cơ thể càng có nhiều YTNC, thì khả năng xuất hiện bệnh tật càng cao. Vì vậy, việc thay đổi được các YTNC là hành động đơn giản và hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa bệnh. Nhóm các YTNC có thể thay đổi được, tất cả đều xuất phát từ thói quen sống của chúng ta.

Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất giúp giảm 30% tử vong do mọi nguyên nhân, chỉ cần đi bộ 10 phút mỗi ngày đã góp phần giảm 15% tử vong so với việc không thực hiện. Giảm 30 – 40% tỉ lệ mắc hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường, giảm 20% mắc các loại ung thư, giảm 20 – 50% mắc các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, vận động còn giúp nâng cao sức khỏe tinh thần, làm giảm nguy cơ bị trầm cảm và sa sút trí tuệ.
Hoạt động thể chất thường xuyên có nhiều lợi ích khác nhau cho sức khỏe tâm sinh lý. Ở tất cả các giai đoạn của cuộc đời, hoạt động thể chất đóng một vai trò thiết yếu trong việc ngăn ngừa các BKLN. Các quốc gia thành viên của WHO đã đưa ra quyết tâm chung là giảm khoảng 10% đến 15% tỷ lệ hoạt động thể chất thấp vào năm 2025 và 2030. Đây là một trong những mục tiêu toàn cầu thiết yếu để cải thiện các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị BKLN. Lối sống lười vận động là nguyên nhân chính phía sau “đại dịch” béo phì, điều dẫn đến việc ngày càng phổ biến các bệnh mãn tính trên toàn thế giới.
Bất kỳ chuyển động nào của cơ thể con người dẫn đến tiêu thụ năng lượng hoặc đốt cháy calo đều sẽ cải thiện sức khỏe của bạn. Hoạt động thể chất có lợi cho mọi lứa tuổi, giúp ích cho sức khỏe tâm thần, cải thiện sự tự tin, cải thiện giấc ngủ, tăng năng lượng và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp ngăn ngừa các bệnh như: giảm nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, ung thư, huyết áp cao và loãng xương.
Theo khuyến nghị của WHO, trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 – 17 tuổi nên hoạt động thể chất với cường độ vừa phải đến mạnh, ít nhất 60 phút mỗi ngày. Người lớn từ 18 – 64 tuổi cần hoạt động thể chất với cường độ vừa phải, ít nhất 150 phút trong suốt cả tuần.
Chúng ta thường phức tạp hóa về khái niệm hoạt động thể chất, vì vậy thường hay trì hoãn hoặc từ chối vận động. Hoạt động thể chất là bất kỳ sự vận động nào của cơ bắp gây ra sự tiêu hao năng lượng. Ví dụ, bạn có thể chọn leo cầu thang bộ lên phòng làm việc thay vì thang máy, đi xe đạp đến công sở thay thế cho ô tô, xe máy, làm việc nhà, chăm sóc cây cối, bơi lội, nhảy dây, chạy bộ, tập Yoga, Aerobic… Điều quan trọng là bạn duy trì thói quen tốt này hàng ngày.

Cai thuốc lá

Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá. Bỏ hút thuốc từ bây giờ sẽ cải thiện sức khỏe của bạn và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, bệnh phổi mạn tính và các bệnh khác liên quan đến hút thuốc.

Ngay thời điểm bạn bỏ hút thuốc, hiệu quả đạt được như sau:

Hơn 7000 hóa chất và chất gây ung thư được loại bỏ,

  • 20 phút sau huyết áp và mạch trở lại bình thường,
  • 24 tiếng sau nguy cơ đau tim bắt đầu giảm,
  • 14 ngày sau sự lưu thông khí ở phổi tốt hơn, các đường dẫn khí bắt đầu giãn dần ra,
  • 01 – 09 tháng sau giảm ho, phổi hoạt động tốt hơn,
  • 01 năm sau, giảm 50% nguy cơ bệnh tim và đột quỵ,
  • 05 năm sau, nguy cơ đột quỵ bằng với người chưa bao giờ hút thuốc,
  • 10 năm sau, nguy cơ tử vong vì ung thư phổi thấp hơn nhiều.

Việc cai được thuốc lá, giúp bạn trở nên tự tin hơn, ăn uống ngon miệng và tiết kiệm được tiền. Đối với các bệnh nhân đang điều trị ung thư, thuốc, các phương pháp xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch hoặc cấy ghép sẽ hoạt động tốt hơn, điều trị sẽ thành công hơn, gặp ít tác dụng phụ hơn và khả năng phục hồi nhanh chóng hơn. Nguy cơ tái phát ung thư và ung thư mới giảm bớt.

Rào cản lớn nhất đối với một người được khuyên bỏ thuốc lá là cảm giác bứt rứt và thèm thuốc. Việc cai thuốc lá có thể là khó nhưng không phải là không thể. Hãy bắt đầu ngay bằng 6 bước:

  1. Xác định lý do (động lực) lớn nhất để cai thuốc và quyết tâm,
  2. Đặt ra ngày bỏ thuốc và lập kế hoạch,
  3. Chuẩn bị tinh thần để vượt qua các tác nhân và thói quen hút thuốc,
  4. Chuẩn bị để chống lại cảm giác thèm thuốc bằng cách sử dụng các biện pháp hỗ trợ bỏ thuốc và/hoặc các loại thuốc thích hợp,
  5. Loại bỏ sự gợi nhớ về việc hút thuốc,
  6. Tìm kiếm sự trợ giúp và hỗ trợ để bỏ thuốc lá.

Hãy chọn việc không hút thuốc ngay từ ban đầu. Nếu bạn là người đang hút thuốc và gặp khó khăn trong việc từ bỏ, hãy hành động ngay bằng việc liên hệ tới các tổ chức uy tín và tham gia vào chương trình cai thuốc lá tự nguyện.

Hạn chế bia rượu

Rượu (hay đồ uống có cồn nói chung) là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra các BKLN. Hơn một nửa số ca tử vong do BKLN là liên quan đến rượu. Mặc dù được xã hội chấp nhận tương đối rộng rãi nhưng rượu vẫn là một chất độc hại, kích thích thần kinh, gây ung thư và gây nghiện, có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

Rượu có liên quan nhân quả đến 7 loại ung thư, trong đó, ung thư đại trực tràng, gan và thực quản là những nguyên nhân lớn nhất gây ra gánh nặng, cũng như các bệnh về tiêu hóa. Đặc biệt là xơ gan và viêm tụy, bệnh tim mạch và đột quỵ, các rối loạn thần kinh như trầm cảm.

Mặc dù tỷ lệ tử vong do rượu cao nhất ở độ tuổi 25 – 40 nhưng điều này chủ yếu là do thương tích xảy ra tập trung ở nhóm tuổi này. Từ tuổi 40 trở đi, thương tích ít hơn trong khi các BKLN chiếm vị trí trung tâm. Điều này xảy ra do tác động tích lũy của rượu đối với sức khỏe, nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Theo hướng dẫn chế độ ăn uống của Hoa Kỳ khuyến nghị, rằng đối với những người trưởng thành khỏe mạnh uống rượu với một lượng nhỏ thì không bị ảnh hưởng sức khỏe:

  • Đối với nữ giới: 01 ly* hoặc ít hơn trong một ngày,
  • Đối với nam giới: 02 ly* hoặc ít hơn trong một ngày.

* 01 ly tương đương 01 đơn vị cồn, chứa khoảng 8 – 14 gam rượu nguyên chất, tương đương 270ml bia/1 ly rượu vang 120ml/1 ly rượu mạnh 25ml.

Nhưng những nghiên cứu mới nhất đã đặt ra nghi vấn về các khuyến cáo trước đây, cho rằng việc tiêu thụ rượu, bia một cách hợp lý là có lợi ích. Kết quả cho thấy rằng ở bất kể mức độ nào cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư và nêu rõ không thể biện hộ bằng bất cứ lý do nào rằng uống rượu, bia là có lợi cho sức khỏe.

Vì vậy, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, đó là:

  1. Uống ít nhất có thể,
  2. Người có tiền sử gia đình có người mắc ung thư thì không nên uống rượu,
  3. Người chưa từng uống rượu thì không nên bắt đầu dù vì bất cứ lý do gì.

Ăn uống lành mạnh

Dinh dưỡng tốt là một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để duy trì sự phát triển bình thường. Thức ăn, nước uống tốt cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết.

Dinh dưỡng tốt cũng rất cần thiết để giảm nguy cơ phát triển các BKLN như: đái tháo đường, đột quỵ, bệnh tim và ung thư. Dinh dưỡng tốt giúp một trẻ từ khi trong bụng mẹ đến 5 tuổi giảm nguy cơ mắc các BKLN trong quá trình sống sau này.

Một chế độ ăn lành mạnh, dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:

Nguyên tắc 1: đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng và đủ số lượng.

Nguyên tắc 2: đa dạng nguồn thực phẩm. Sự đa dạng của thực phẩm rất quan trọng vì mỗi loại thực phẩm mang lại những giá trị dinh dưỡng riêng.

  • Các loại thực phẩm khác nhau cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như: carbohydrate, protein, chất béo, khoáng chất, vitamin, chất xơ và nước, cũng như các chất chống oxy hóa… đều có lợi cho sức khỏe.
  • Ăn quá nhiều thực phẩm từ một nhóm thực phẩm có thể dẫn đến chế độ ăn uống mất cân bằng.

Nguyên tắc 3: không ăn nhiều hoặc liên tục một loại thức ăn ưa thích.

  • Ăn nhiều nhóm thực phẩm giàu năng lượng dẫn đến gia tăng lượng đường trong máu, dẫn đến bệnh béo phì, đái tháo đường và tim mạch.
  • Ăn nhiều nhóm thực phẩm giàu đạm dẫn đến các bệnh như: Gout, bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ, suy thận.

Nguyên tắc 4: giảm lượng muối – mỡ – đường

  • Chế độ ăn dư muối làm huyết áp tăng, liên quan mật thiết đến gia tăng nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Lượng muối nhập vào cơ thể chúng ta mỗi ngày không chỉ qua muối hạt, muối I-ốt, mà còn có sẵn trong các loại gia vị nấu như: hạt nêm, nước tương, nước mắm, bột nêm sẵn… Người Việt Nam thường tiêu thụ dư thừa muối nhiều so với mức khuyến cáo vì có thói quen sử dụng kết hợp nhiều loại gia vị, nước chấm trong nấu nướng. Lượng muối được khuyên dùng mỗi ngày là dưới 2000mg natri (dưới 5g muối ăn, tương đương khoảng 1 thìa cà phê gạt ngang). Theo điều tra của Bộ y tế, một người Việt Nam tiêu thụ 9,4g muối mỗi ngày, tức gần gấp đôi mức khuyến cáo.
  • Chế độ ăn nhiều chất béo khiến lượng năng lượng nạp vào cao và sau đó dẫn đến đến việc tăng cân không lành mạnh. Ăn nhiều chất béo bão hòa làm tăng mức độ cholesterol xấu và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt động vật, các loại mỡ heo, mỡ gà, bơ, các sản phẩm từ sữa, kem/dầu. Ngoài ra, các thực phẩm chiên và các sản phẩm nướng như: bánh ngọt, bánh nướng, bánh quy, bánh quy giòn… cũng chứa dầu chiên có hại. Chất béo từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật là những lựa chọn lành mạnh hơn, ví dụ: dầu nành, dầu ô liu, dầu hướng dương… giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
  • Ăn bữa ăn nhiều đường làm tăng nhanh lượng đường trong máu và sự tiết insulin, dẫn đến cơ thể nhiều mỡ hơn. Lượng và loại đường bạn ăn cũng như cách thức ăn được chuẩn bị là một số yếu tố ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Cảnh giác với lượng đường ẩn có trong nước trái cây, sốt cà chua, hỗn hợp cà phê, trà sữa…

Nguyên tắc 5: uống nhiều nước lọc mỗi ngày.

Các rối loạn về chuyển hóa đường, chuyển hóa lipid liên quan mật thiết đến sự xuất hiện bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì… Một chế độ dinh dưỡng phù hợp, thông qua sự cân bằng các chất trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị các BKLN.

Kết luận

  • Bệnh không lây nhiễm đã trở thành “đại dịch” toàn cầu, gia tăng và lan rộng theo quá trình phát triển và hiện đại hóa của con người.
  • BKLN gây ra cái chết cho hơn 41 triệu người, chiếm gần 80% tử vong do mọi nguyên nhân.
  • Có thể phòng ngừa và điều trị tốt các BKLN bằng việc thay đổi thói quen sống lành mạnh, khoa học.

Tài liệu tham khảo

  1. Saqib ZA, Dai J, Menhas R, et al. Physical Activity is a Medicine for Non-Communicable Diseases: A Survey Study Regarding the Perception of Physical Activity Impact on Health Wellbeing. Risk Manag Healthc Policy. 2020;13:2949-2962. doi:10.2147/RMHP.S280339
  2. Global Burden of Disease (GBD). Accessed October 20, 2023. https://www.healthdata.org/research-analysis/gbd
  3. Non communicable diseases. Accessed October 16, 2023. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/noncommunicable-diseases
  4. Overview of Noncommunicable Diseases and Related Risk Factors.
  5. Non-Communicable_Diseases_and_Nutrition.pdf. Accessed October 19, 2023. https://www.jica.go.jp/Resource/project/solomon/002/materials/ku57pq00003um0e9-att/Non-Communicable_Diseases_and_Nutrition.pdf

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2023,
Chủ đề: BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM: Tiếp cận toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)