Vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh

ThS.BS Lê Tấn Nghĩa
Trưởng khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh nên dễ mắc một số bệnh lý về mắt. Thường gặp nhất là viêm kết mạc sơ sinh với tần suất 7 – 19% tổng số trẻ sơ sinh, tình trạng viêm này có thể trầm trọng và đôi khi gây nhiễm trùng toàn thân do đó việc vệ sinh mắt cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết, tuy nhiên không phải người mẹ nào cũng biết vệ sinh mắt đúng cách.

Tác nhân nào gây nhiễm khuẩn mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh?

Trẻ sơ sinh có thể mắc các bệnh nhiễm khuẩn mắt nặng và có thể dẫn đến mù trong ngay tháng đầu sau sinh. Những yếu tố nguy cơ của viêm kết mạc sơ sinh bao gồm nhiễm trùng qua đường âm đạo khi sinh, mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ, trẻ tiếp xúc với môi trường vệ sinh kém, ối vỡ sớm chuyển dạ kéo dài và chấn thương trong quá trình chuyển dạ.

Những tác nhân thường gây nhiễm khuẩn mắt là:

Neisseria gonorrhoea (vi trùng gây bệnh lậu), bệnh khởi phát nhanh trong vòng 1 tuần, thường từ 1 đến 2 ngày sau sinh. Viêm kết mạc thường nặng nề với tình trạng mi mắt sưng phù, chất tiết dạng mủ vàng đặc và giả mạc. Nhiễm lậu cầu sau sinh có thể gây biến chứng thủng giác mạc nên cần phải lưu ý ở những trẻ có mẹ bị nhiễm lậu ở đường âm đạo.
Clamydia trachomatis là tác nhân thường gặp nhất trong viêm kết mạc sơ sinh. Biểu hiện thường ở mức độ nhẹ hoặc trung bình ở một hoặc hai mắt, khởi phát từ ngày thứ 5 đến ngày 14 sau sinh.
Một số tác nhân khác gây viêm kết mạc sơ sinh như: Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermitis, streptococcus viridans… Bệnh xuất hiện từ 2 – 5 ngày sau sinh, biểu hiện ban đầu thường không trầm trọng như trong trường hợp nhiễm lậu và Clamydia.
Triệu chứng điển hình của cả ba trường hợp này là cả hai mí mắt sẽ bị sưng đỏ và chảy mủ, thường bắt đầu từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau sinh.

Vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh đúng cách có những lợi ích gì?

Việc vệ sinh mắt giúp loại bỏ các chất bẩn bám trên mắt của trẻ và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý viêm nhiễm tại mắt. Nhiều bà mẹ nghĩ rằng trẻ sơ sinh thường xuyên ở trong nhà ít tiếp xúc với bụi bẩn nên không cần phải vệ sinh mắt. Thực tế không phải vậy, trẻ mới sinh đã phải tiếp xúc với các dịch tiết từ cơ thể mẹ và với những bé dưới 3 tháng tuổi thì tuyến lệ chưa phát triển hoàn chỉnh nên mắt chưa được làm sạch bằng nước mắt. Khi vệ sinh mắt, giúp các chất bẩn từ lúc sinh ra và tiếp xúc với môi trường bị loại bỏ.
Ngoài việc loại bỏ vi sinh vật gây bệnh, việc vệ sinh mắt còn giúp mắt trẻ dễ chịu hơn khi đang bị viêm.
Lưu ý với những trẻ bị viêm kết mạc sau sinh ngoài việc vệ sinh mắt đúng cách mỗi ngày, cần phải đưa bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cần phải vệ sinh mắt cho trẻ đúng cách thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn, nếu vệ sinh sai cách có thể vô tình gây ra nhiều phiền toái hơn cho mắt của trẻ.

Vậy vệ sinh mắt đúng cách cho trẻ sơ sinh là như thế nào?

Mỗi ngày cần phải vệ sinh mắt cho bé từ 2 đến 3 lần, vào các thời điểm như: sau khi thức dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị viêm kết mạc thì phải vệ sinh bất cứ lúc nào nếu thấy có nhiều ghèn.
Các bước vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh bao gồm:
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ bao gồm nước muối sinh lý dùng để rửa mắt, 2 miếng gạc vô khuẩn để vệ sinh từng bên mắt.
Bước 2: Trước khi vệ sinh mắt trẻ thì cần đảm bảo tay sạch sẽ bằng cách rửa tay với xà phòng và nước sạch.
Bước 3: Lấy gạc vô khuẩn ra và thấm nước muối ướt, sau đó nhẹ nhàng lau theo chiều từ đầu đến phần đuôi mắt, sau đó làm tương tự với bên còn lại.

Cần lưu ý gì khi vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh?

Khi vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh, cần chú ý những điều sau:
  • Tuyệt đối không nên dùng một gạc vô khuẩn để vệ sinh cả 2 mắt cho trẻ, bởi vì làm như vậy sẽ vô tình gây lây nhiễm những tác nhân gây bệnh của 2 mắt cho nhau. Nhất là khi trẻ có bệnh viêm kết mạc một bên mắt mà dùng chung gạc để vệ sinh mắt cho trẻ sẽ làm lây sang bên còn lại.
  • Việc vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh giúp phòng ngừa và điều trị trong một số trường hợp bị bệnh lý về mắt. Tuy nhiên khi thấy trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm hay ra nhiều dịch mủ ở mắt thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.
  • Chú ý phải rửa tay đúng cách bằng xà phòng trước khi làm vệ sinh mắt cho trẻ, rất nhiều bà mẹ bỏ qua bước này nhưng chúng ta biết rằng trên da có rất nhiều vi khuẩn có thể gây bệnh nếu tay tiếp xúc trực tiếp với mắt trẻ vô tình là cầu nối cho vi khuẩn tiếp xúc với niêm mạc mắt của trẻ, có thể gây bệnh về mắt cho trẻ sơ sinh.
Tóm lại vệ sinh mắt đúng cách cho trẻ sơ sinh là việc làm hết sức cần thiết, để giúp trẻ tránh những tác nhân gây bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ sau này.
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 2 – năm 2023,
Chủ đề: CHĂM CON KHỎE: Bắt đầu từ bụng mẹ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)

Tài liệu tham khảo

1. Nhãn khoa lâm sàng – Đại học Y dược TP.HCM, 2010
2. Kanski – Clinical Ophthalmology, 2019
3. Paediatric Ophthalmology and strabismus 6nd Edition 2022.
4. The Wills Eye Manual-8th Edition 2022