Cách dùng thuốc nhỏ mắt an toàn và hiệu quả

ThS.BS Lê Tấn Nghĩa

Trưởng khoa Liên Chuyên Khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh  

Thuốc nhỏ mắt được xem là một trong những giải pháp tốt để cải thiện các vấn đề về mắt. Tuy nhiên, bạn đã biết cách nhỏ mắt đúng cách chưa? Tần suất sử dụng thuốc nhỏ mắt là bao nhiêu? Cùng giải đáp các thắc mắc này qua bài viết sau.

Những điều cần biết về thuốc nhỏ mắt

Thuốc nhỏ mắt là những dung dịch vô khuẩn (nghĩa là không chứa các vi khuẩn gây bệnh), được pha chế để nhỏ mắt với mục đích điều trị hoặc chẩn đoán các bệnh về mắt.

Thuốc nhỏ mắt phải đạt 3 tiêu chuẩn:

Vô khuẩn: Tất cả các chế phẩm dùng trong nhãn khoa đều phải đạt tiêu chuẩn vô khuẩn. Để bảo đảm tiêu chuẩn này, thuốc nhỏ mắt phải được điều chế trong điều kiện môi trường vô khuẩn, thường được thêm chất sát khuẩn thích hợp và sau khi pha chế phải được tiệt khuẩn. Vì vậy, không thể lấy bất cứ dạng thuốc nào khác để dùng cho mắt. Một sai lầm khá phổ biến là có người dùng thuốc nhỏ tai, nhỏ mũi thay cho thuốc nhỏ mắt.

Độ pH: pH là đại lượng cho biết tính acid, tính kiềm của một dung dịch. Nước mắt có độ pH trung tính, nghĩa là không có tính acid hay tính kiềm (pH của nước mắt trong khoảng 7,4 – 7,6), do đó, tốt nhất thuốc nhỏ mắt nên có độ pH bằng với pH của nước mắt. Khi pha chế thuốc nhỏ mắt, nhà bào chế phải cân nhắc, tính toán, lựa chọn độ pH sao cho vừa có tác dụng ổn định hoạt chất của thuốc, vừa giúp mắt không bị kích ứng và đáp ứng tốt trong điều trị.

Đẳng trương: Khi nhỏ thuốc vào mắt, ta cảm thấy dễ chịu, một phần là do dung dịch thuốc nhỏ mắt đẳng trương với dịch nước mắt, nói cách khác thuốc nhỏ mắt phải có tính chất giống như nước mắt.

Các nhóm thuốc nhỏ mắt

Có rất nhiều thuốc nhỏ mắt chứa các hoạt chất khác nhau. Có thể chia thành các nhóm thuốc như sau:

Nhóm thuốc nhỏ mắt chống nhiễm trùng, gồm:

  • Thuốc chứa chất sát trùng: Argyrol (chứa bạc vitelinat, ngừa nhiễm trùng mắt do lậu cầu ở trẻ sơ sinh), sulfaxylum (một loại sulfamid), kẽm sulfat (dung dịch 0,5 – 1%).
  • Thuốc chứa chất kháng sinh, kháng khuẩn: Cloramphenicol (Cloraxin 0,4 – 0,5%), tetracyclin (thuốc mỡ 1% trị đau mắt hột), neomycin (Neocin), ciprofloxacin (Ciloxan), gentamycin (Ophtagram), tobramycin (Tobrex), ofloxacin (Oflovid), levofloxacin (Cravit), moxifloxacin (Vigamox)…
  • Thuốc kháng nấm: natamycin (Natacyn)…
  • Thuốc chứa chất kháng siêu vi: acyclovir (Zovirax).
  • Thuốc giãn đồng tử (để khám mắt): atropin, homatropin, Mydriacyl.
  • Thuốc làm dịu mắt: Refresh, Tears natural, Visine, V. Rohto, Dainako…
  • Thuốc làm chậm đục thủy tinh thể: Catarstar, Catacol, Vitreolent, Vitaphakol, eyaren, posod…

Vì vậy, để đảm bảo điều trị đúng bệnh, người bệnh cần đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn dùng loại thuốc thích hợp.

Những lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt

Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách tưởng là một việc làm rất đơn giản nhưng nhiều người lại không biết và thường mắc sai lầm. Khi dùng thuốc sai cách sẽ vô tình khiến cho tác dụng của thuốc giảm đi, thậm chí có thể gây phản tác dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe của đôi mắt. Một số lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt sau đây sẽ giúp bạn đạt được những hiệu quả điều trị tốt hơn cũng như hạn chế những biến chứng nguy hiểm khi dùng thuốc sai cách.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt và mỗi loại có tác dụng điều trị cho từng bệnh lý khác nhau, nếu tự ý mua và sử dụng đôi khi không hiệu quả mà còn bị những tác dụng phụ nguy hiểm như: loét giác mạc, tăng nhãn áp… nhất là thuốc có chứa corticoid. Do đó, không nên tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi chưa được chỉ định của bác sĩ.           

Lưu ý đến thời hạn sử dụng của thuốc

Mặc dù thuốc nhỏ mắt có hạn sử dụng khá dài có thể đến hàng năm, tuy nhiên, sau khi đã mở nắp và sử dụng thì hầu hết chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn, thường là 15 – 30 ngày kể từ khi mở lọ. Vì thuốc nhỏ mắt vốn được bào chế dưới dạng vô khuẩn, sau 15 ngày mở nắp có thể thuốc sẽ không còn đạt được độ vô khuẩn như ban đầu, không còn tác dụng tốt, thậm chí phản tác dụng và gây hại cho mắt, ảnh hưởng đến thị lực của người dùng. Do đó, sau khi mở lọ thuốc, bạn nên ghi lên lọ ngày mở nắp và không nên sử dụng thuốc nhỏ mắt quá 1 tháng sau khi mở lọ.

Không dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác

Tuyệt đối không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt với người khác để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhiều người có thói quen sử dụng chung thuốc nhỏ mắt để tránh lãng phí khi hết hạn không thể sử dụng được nữa. Thói quen này cần loại bỏ ngay vì khi dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác sẽ gia tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh cho nhau, nhất là các bệnh nhiễm trùng ở mắt do vi khuẩn, virus… Chẳng hạn như bạn không biết mình bị đau mắt đỏ hoặc vô tình những người xung quanh bị mà không biết. Dùng chung thuốc nhỏ mắt lúc này tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất cao, nguy hiểm cho cả 2 người. Thuốc nhỏ mắt sử dụng chung lúc này có thể gây ra nhiễm trùng chéo, lây lan bệnh hoặc khiến bệnh lý bạn đang gặp phải càng nặng thêm.

Tránh nhỏ nhiều loại thuốc cùng lúc

Nếu bệnh lý ở mắt bạn đang gặp phải được bác sĩ chỉ định dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt, bạn cần ghi nhớ thời gian, đảm bảo khoảng cách giữa các lần nhỏ các loại thuốc khác nhau ít nhất 10 phút. Tuyệt đối không sử dụng đồng thời các loại thuốc nhỏ mắt khác nhau vì thành phần trong thuốc có thể tương tác với nhau gây phản ứng phụ hoặc mắt của bạn sẽ không thể chứa đủ 2 loại thuốc cùng lúc, khiến hiệu quả điều trị bị thuyên giảm.

Rửa tay sạch sẽ trước khi nhỏ thuốc

Bạn phải rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi tra thuốc vào mắt. Tay của chúng ta vốn phải cầm nắm nhiều đồ vật nên thường tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn. Nếu không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi dùng thuốc, vi khuẩn từ tay có thể lây lan vào mắt hoặc xâm nhập vào lọ thuốc khi chúng ta nhỏ thuốc vào mắt. Vì vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo bệnh nhân rửa tay sạch sẽ để diệt khuẩn trước khi nhỏ mắt nhằm đảm bảo an toàn.

Tháo kính áp tròng trước khi nhỏ thuốc

Nếu dùng thuốc nhỏ mắt trong khi vẫn đeo kính áp tròng sẽ khiến cho kính áp tròng trở thành vật cản quá trình hấp thụ của thuốc vào mắt, làm giảm hiệu quả của thuốc.

Nhỏ mắt đúng cách

Hãy thực hiện nhỏ mắt theo các bước cơ bản dưới đây để đạt được hiệu quả sử dụng tốt nhất cũng như đảm bảo an toàn cho đôi mắt của bạn:

Bước 1: Rửa tay sạch sẽ với xà phòng để diệt khuẩn trước khi cầm lọ thuốc nhỏ mắt.

Bước 2: Xem lại hạn dùng của thuốc (xem còn nằm trong khoảng thời gian 15 ngày an toàn không) hoặc ghi chú lên lọ thuốc ngày mở nếu sử dụng lần đầu.

Bước 3: Lắc đều thuốc trước khi dùng.

Bước 4: Ngửa đầu ra đằng sau, để mắt hướng lên trần nhà, lấy ngón trỏ nhẹ nhàng kéo mi dưới xuống để tạo thành 1 góc và khéo léo nhỏ 1 – 2 giọt thuốc vào mắt.

Bước 5: Nhắm chặt mắt lại trong khoảng 10 giây để thuốc ngấm dần vào mắt, sau đó, chớp mắt liên tục để thuốc tan đều trong mắt hoặc sử dụng ngón trỏ day nhẹ nhàng góc trong của mắt.

Bước 6: Sử dụng khăn sạch để lau quanh mắt nếu vô tình trong lúc nhỏ thuốc bị rơi ra ngoài, rửa lại tay sạch sẽ.

Sau khi dùng thuốc, nếu thấy mắt có các biểu hiện kích ứng bất thường hãy ngưng sử dụng và đến bệnh viện khám mắt để bác sĩ kiểm tra, tư vấn, đổi loại thuốc khác phù hợp, không gây tác dụng phụ cho mắt.

Kết luận

Dùng thuốc nhỏ mắt đúng cách giúp tăng tác dụng điều trị và hạn chế những nguy cơ gây hại cho mắt.

Tài liệu tham khảo

  1. Bài giảng nhãn khoa – Bộ môn Mắt – Đại học Y Hà Nội 2007.
  2. Deborah Pavan-Langston: Manual of Ocular Diagnostic and Therapy – sixth Edition 2008.
  3. How to use eye drops – Healthline-June 7

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 3 – năm 2023,
Chủ đề: SỬ DỤNG THUỐC HỢP LÝ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)