ĐAU MẮT ĐỎ & Những lưu ý quan trọng không nên bỏ qua

Gần đây, số ca bị đau mắt đỏ đang ngày một gia tăng. Tình hình thực tế tiếp nhận các lượt khám chữa bệnh tại BVĐK Hồng Hưng cho thấy dịch đang lây lan rõ rệt, không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ nhỏ, khiến các em đang ở độ tuổi đến trường buộc phải nghỉ học vì mắc bệnh. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, mời Quý bà con cùng BVĐK Hồng Hưng tìm hiểu chi tiết hơn về dịch bệnh này qua bài viết dưới đây nhé.

Đau mắt đỏ là gì?

Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (tròng trắng mắt) và kết mạc mi. Bệnh do virus hoặc nhiễm trùng từ vi khuẩn, phản ứng dị ứng gây ra. 

Đau mắt đỏ chỉ gây khó chịu nhưng nếu không chữa trị dứt điểm và để tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến giác mạc. Bệnh có thể lây lan nên cần chẩn đoán sớm và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa.

Thời điểm dịch bệnh

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM ghi nhận, dịch đau mắt đỏ thường xảy ra vào khoảng tháng 8 đến tháng 11 hằng năm và gần như năm nào cũng có.

Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ

  • Trước 3 – 4 ngày mắc bệnh, bệnh nhân sẽ mệt mỏi, đau họng, một số trường hợp nổi hạch dưới hàm, hạch trước tai
  • Sau đó, bệnh sẽ gây đau mắt đỏ ở một mắt và tiếp theo lây sang mắt còn lại
  • Đỏ mắt, mi mắt sưng phù
  • Sáng ngủ dậy ghèn nhiều khiến khó mở mắt.

Biện pháp phòng tránh, lây lan

  • Không dụi mắt
  • Thường xuyên vệ sinh tay với xà phòng hoặc cồn 70 độ
  • Sử dụng riêng vật dụng cá nhân: khăn, mền, gối
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
  • Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày kĩ càng.

Xử trí người bệnh đúng cách theo kế hoạch phòng bệnh đau mắt đỏ

Việc xử trí người bệnh đau mắt đỏ đúng cách chính là một phần không thể thiếu trong kế hoạch phòng chống đau mắt đỏ. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt như: nổi gân đỏ ở mắt, ghèn mắt nhiều, sưng nhức mắt… Bạn nên đến ngay cơ sở y tế chuyên về nhãn khoa để được thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng cũng như lây lan dịch bệnh.

Với người đau mắt đỏ hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, lúc xử trí tại nhà cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Cách ly tại một phòng riêng, dùng riêng các đồ dùng cá nhân.
  • Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ thuốc.
  • Lấy gạc y tế lau rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch ít nhất 2 lần/ngày. Sau khi lau xong cần vứt bỏ gạc đó ngay, không được sử dụng lại.
  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc nhỏ mắt của mắt đang bị bệnh để tra vào mắt lành.
  • Đeo kính để bảo vệ mắt khỏi khói bụi, tránh tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
  • Khi bị bệnh, bạn nên nghỉ làm, tránh đến nơi đông người làm lây lan dịch bệnh. 
  • Người bệnh đau mắt đỏ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế cho mắt điều tiết nhiều, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh đau mắt đỏ khi khởi phát, các triệu chứng khó chịu thường diễn biến rầm rộ trên mắt trong khoảng 3 ngày đầu tiên của bệnh, sau đó, sẽ thoái lui và hết dần trong khoảng 10 ngày, đa phần đều lành tính và không để lại di chứng cho mắt. Trẻ em bị đau mắt đỏ phải nghỉ học ở nhà để tránh lây lan bệnh.

Đặc biệt, bạn cần theo dõi tình trạng mắt thường xuyên tại nhà. Nếu các dấu hiệu không thuyên giảm, kéo dài quá 10 ngày, thậm chí ra tăng cấp độ nặng, nguy cơ cao, lúc này, cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, chỉ định điều trị đúng cách, hạn chế tối đa tổn thương cho mắt.

—————-

Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi:

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động:

Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần: Buổi sáng: 7h00 – 12h00, buổi chiều: 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h00 – 19h00 | Cấp cứu: 24/7

  • Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
  • Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
  • Email: dichvukhachhang@honghunghospital.com.vn
  • Fanpage: Hong Hung Hospital