Kỹ năng vượt cạn an toàn

BS.CKI Nguyễn Thị Thủy
Phó khoa Sản – Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Các bầu cần trang bị cho mình một số kiến thức về việc đi sinh để quá trình vượt cạn được trọn vẹn, tránh tâm lý lo lắng, hoang mang. Một số điều các bầu cần tìm hiểu bao gồm:

Dấu hiệu chuyển dạ và nhận biết khi nào sắp sinh?

Tùy mỗi người mà dấu hiệu chuyển dạ sẽ khác nhau. Một số bầu có thể có đầy đủ các dấu hiệu báo chuyển dạ và một số thì không. Sự thay đổi của cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau đây:

  • Cảm giác nặng, trằn bụng dưới gây mắc tiểu hoặc mắc rặn nhiều hơn;
  • Ra dịch nhầy, màu trắng trong như lòng trắng trứng có thể kèm theo máu hoặc dịch màu hồng nhạt. Dịch nhầy có thể ít hoặc nhiều;
  • Cơn co thắt tử cung gây cảm giác bụng cứng toàn bộ và đau thốn mỗi khi căng cứng và tăng dần;
  • Ra nước giống như đi tiểu, màu trắng trong hoặc lẫn dịch hồng có thể là biểu hiện của vỡ màng ối;
  • Cổ tử cung giãn nở, dấu hiệu này khi đi khám bác sĩ sẽ thông báo;
  • Đau hai bên khớp háng hoặc đau lan phía sau lưng đây là biểu hiện của khung chậu giãn nở cho thai nhi di chuyển xuống;
  • Một số triệu chứng ít gặp hơn như: mệt mỏi, giảm hoặc không tăng cân, rối loạn tiêu hóa, biểu hiện có thể là tiêu chảy hoặc cảm giác buồn nôn, nôn;
  • Ngoài ra, nếu không gặp những triệu chứng trên, bầu cần phải khám lại khi xuất hiện các biểu hiện: sốt, đau đầu kéo dài, ra máu ở âm đạo lượng nhiều, ra nước màu xanh hoặc vàng hoặc thấy thai nhi ít máy hơn bình thường.


Khi chuẩn bị sinh, cần chuẩn bị thật đầy đủ những vật dụng cần thiết bao gồm:

  • Giấy tờ tùy nhân (CMND, bảo hiểm y tế), sổ khám thai và các giấy tờ khám thai định kỳ từ khi mới có thai, tiền mặt;
  • Đồ cho mẹ: 1 bộ quần áo dài tay mặc khi xuất viện, băng vệ sinh, tã người lớn, vật dụng cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, khăn;
  •  Đồ cho bé: tã lót sơ sinh, khăn, áo, nón, vớ tay chân, khăn sữa, gối nằm mềm.

    Các bài tập/ phương pháp thở giúp giảm căng thẳng và giảm cảm giác đau

    Bài tập 1 – Bài tập Kegel: Từ lúc bắt đầu có thai đến sau khi sinh.

    Hãy tự co lại và giữ chặt các cơ chung quanh âm đạo và hậu môn như thể bạn đang cố kiềm nước tiểu không cho thoát ra ngoài khi đi vệ sinh. Giữ như vậy càng lâu càng tốt. Sau đó nghỉ xả hơi và lặp lại khoảng 10 lần cho 1 lần tập. Cố gắng tập Kegel khoảng 3-4 lần/ ngày nhé. Bài tập này có thể tập trong lúc ăn, lúc đi siêu thị hoặc lúc ngồi nói chuyện tán gẫu với ông xã về việc chuẩn bị sinh.
    Bài tập 2 – Bài tập nghiêng vùng chậu (Angry Cat): Bắt đầu tập từ 16 tuần đến sau khi sinh.

Bài tập nghiêng vùng chậu

Chống thẳng tay và quỳ gối xuống nền nhà trong tư thế bò, đầu hơi chếch lên, lưng võng xuống, 2 cánh tay dang rộng bằng 2 vai, 2 đầu gối cách nhau 30cm. Sau đó vòng lưng lên đồng thời hóp chặt các cơ bụng lại, siết cơ mông cho chặt rồi thu gọn lại phần xương chậu sao cho phần cong của lưng hướng lên trên thành cái bướu lồi. Giữ yên vài giây, sau đó thả lỏng, thở ra và thư giãn. Lặp lại 1 vài lần tùy theo sức của mình.

Bài tập 3 – Bài tập Squat: Hiệu quả vào 3 tháng cuối thai kỳ và trong lúc ở phòng chờ sinh.

Bài tập squat

Khi tập bài này có thể sẽ có hình dáng trông hơi buồn cười nhưng đây là bài tập rất hiệu quả cho cơ thể để chuẩn bị sinh nở. Cách tập như sau:
Đứng thẳng người, lưng dãn ra, hai bàn chân cách nhau 45cm. Từ từ ngồi chồm hổm xuống thật thấp. Hai bàn tay nắm lấy nhau, dùng hai cùi chỏ dang hai đầu gối ra. Cố chịu trọng lượng cơ thể bằng 2 gót chân và các ngón chân. Giữ khoảng vài phút hoặc càng lâu càng tốt nếu thấy thoải mái. Sau đó, chồm tới trước để quỳ gối hay đứng lên.

Bài tập 4 – Bài tập đứng lên ngồi xuống: Hiệu quả vào 3 tháng cuối thai kỳ và trong lúc ở phòng chờ sinh.

Bài tập đứng lên ngồi xuống

Đứng thẳng lưng, bước 2 chân rộng bằng hông, 2 tay bám nhẹ vào ghế hoặc vào bức tường để giữ thăng bằng. Từ từ hạ người xuống, giữ tư thế như đang ngồi trên ghế. Chú ý trọng lượng dồn về gót chân thả lỏng 2 vai. Giữ nguyên tư thế trong 30 giây, sau đó, dùng lực chân nâng người đứng dậy. Trong lúc đau bụng sanh nên tập động tác này nhiều lần để giúp giảm đau và khung chậu dãn nở tốt.

Kết hợp kỹ thuật thở, massage và rặn đẻ đúng cách

Trong lúc nhập viện theo dõi sinh, cơn co của tử cung là cơn đau mà các bầu phải chịu đựng vất vả nhất. Có bầu chịu được giai đoạn đầu và không thể ở giai đoạn hai. Mặc dù gây tê ngoài màng cứng giúp giảm hiệu quả cơn đau chuyển dạ nhưng có thể gây kéo dài giai đoạn hai của chuyển dạ và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng sau sinh. Vì thế, WHO đã khuyến cáo tập thở, massage, yoga hoặc nghe nhạc là những liệu pháp bổ sung và thay thế thuốc có hiệu quả hơn 60% trong việc giảm đau chuyển dạ, đau lưng và vùng chậu liên quan đến thai kỳ.

  • Tập hít thở trong lúc đau sẽ giúp vượt qua nỗi đau một cách nhẹ nhàng nhất. Cách tập hít thở đúng cách sẽ là: khi bắt đầu đau, hít sâu vào từ từ thở ra, thật thư giãn (hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng và luôn giữ cho miệng, cằm được thoải mái). Đừng la hét, vì điều đó khiến cổ họng bị thắt chặt sẽ nhanh mệt hơn.
  • Massage là cách tuyệt vời để giảm căng thẳng, lo lắng và kiểm soát các cơn co thắt. Bạn có thể nhờ chồng, người thân massage lưng trong những cơn co hoặc massage tay ở giữa những cơn co, giúp thư giãn.
  • Ngoài ra, tập yoga với bóng tròn hoặc nghe nhạc đã được chứng minh làm giảm cảm giác đau với cơn gò tử cung.

Tập thở khi rặn đẻ: Khi vào phòng sanh, lúc gần rặn đẻ, lúc này các cơn co tử cung sẽ liên tục hơn nên cảm giác đau sẽ nhiều hơn, ở giai đoạn này, cần phải hít thở nông và nhanh, càng về lúc gần sinh sẽ có một cảm giác rất khó chịu đó là cảm giác mắc rặn. Các bầu sẽ nằm với tư thế đầu cao hơn người, hai chân co và dang rộng trên bàn sinh, hai tay nắm chặt xuống thành bàn sinh. Các bầu hít nhẹ một hơi và thở ra để lấy nhịp, sau đó, các bầu hít một hơi thật dài, miệng ngậm kín lại mắt nhìn về phía bụng dồn hơi xuống bụng và rặn mạnh. Nếu hết cơn đau bụng thì thả lỏng cơ thể chuẩn bị cho cuộc rặn kế tiếp. Lặp đi lặp lại động tác này cho đến khi hết cơn đau bụng.
Những việc nên làm và không nên làm ngay sau khi sinh

NÊN LÀM

KHÔNG NÊN

  • Vận động nhẹ nhàng sớm và tập tiểu trong vòng 6 giờ đầu dù sanh thường hay sanh mổ;
  • Ăn nhẹ để tăng nhu động ruột tránh liệt ruột;
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước ấm trong thời gian nằm viện và cả sau khi xuất viện;
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn.
  • Nằm yên, không vận động;
  • Kiêng cữ các loại thực phẩm;
  • Xông hơi, hơ than hoặc tắm nước quá nóng cho mẹ và bé sau khi sanh.

Tài liệu tham khảo

1. Alwin Issac, Shalini Ganesh Nayak: “Effectiveness of breathing exercise on the duration of labour: A systematic review and meta-analysis”. J Glob Health. 2023 Mar 10;13:04023.
2. Dias LAR: “Effect of pelvic floor muscle training on labour and newborn outcomes: a randomized controlled trial”. Rev Bras Fisiot. 2011;15(6):487-93.
3. Oliveira Silva: “Nonpharmacological Methods to Reduce Pain During Active Labor in A Real-life Setting”. Rev Bras Ginecol Obstet 2023; 45(01): 003-010

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 2 – năm 2023,
Chủ đề: CHĂM CON KHỎE: Bắt đầu từ bụng mẹ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)