Sử dụng thuốc đông y hợp lý

Phạm Thị Anh Thảo

Bác sĩ Đơn vị Phục hồi chức năng – Y học cổ truyền, Khoa Khám Ngoại trú

Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Trong Đông y, nguyên liệu thường dùng làm thuốc là thảo mộc, khoáng vật, động vật. Trong đó, thảo mộc được dùng nhiều hơn cả, bao gồm: lá, hoa, quả, hạt, thân cây, rễ cây. Thuốc Đông y vốn có nhiều ưu điểm, hiệu quả, an toàn, ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc không đúng phương pháp, liều lượng, có thể gây dị ứng, ngộ độc thuốc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Một số nguyên liệu có thể chứa độc như: phụ tử, mã tiền, cà độc dược, chu sa, thần sa, ngưu hoàng, ô đầu, ba đậu, bọ cạp… Ngoài ra, có những vị thuốc khi uống một mình thì không có độc nhưng khi phối ngẫu với nhau lại trở nên độc hại do tác dụng tương phản (như lê lô, nhân sâm, huyền sâm) hoặc kỵ nhau (như nhân sâm với ngũ linh chi).

Người thầy thuốc Y học cổ truyền không những phải tìm hiểu về người bệnh, địa danh, thời gian phát bệnh mà còn phải thông qua tứ chẩn, tập hợp các triệu chứng chỉnh thể, phân tích tổng hợp về bệnh sử để từ đó chẩn đoán chính xác về trạng thái hiện tại của cơ thể người bệnh.

Nguyên lý dùng thuốc Đông y

Trải qua hàng ngàn năm, Y học cổ truyền đã hình thành phương pháp biện chứng: bao gồm biện chứng bát cương, biện chứng tạng phủ và biện chứng vệ khí doanh huyết… trong đó, biện chứng bát cương là tổng cương. Thông qua bát cương có thể khái quát diễn biến của bệnh từ vị trí, tính chất của bệnh đến quá trình đấu tranh giữa cơ thể với bệnh tà.

Bát cương bao gồm: biểu và lý, hàn và nhiệt, hư và thực, âm và dương. Thuốc Y học cổ truyền luôn tồn tại tứ tính: “hàn, lương, ôn, nhiệt” để nói lên mức độ nóng (nhiệt), lạnh (hàn); bệnh nhiệt dùng thuốc tính hàn để cân bằng âm dương và ngược lại. Nếu dùng nhầm lẫn sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Ví dụ: chứng tỳ vị hư hàn mà cho uống nhân sâm – vị thuốc bổ quý hiếm mà ai cũng biết nhưng có tính hàn thì bệnh chẳng khỏi mà trở nên trầm trọng hơn. Trường hợp người bệnh bị cảm mạo phong nhiệt gây chứng đau đầu, miệng khô, ra mồ hôi nhiều thì phải dùng phép tân lương giải biểu với các vị thuốc có tính mát như: bạc hà, lá dâu, liên kiều, kim ngân hoa, cúc hoa, thạch cao… nếu dùng các vị thuốc có tính cay nóng, ra nhiều mồ hôi thì bệnh không khỏi mà còn gây nhiều nguy hiểm. Các bậc danh y ngày xưa truyền lại một nguyên tắc bất di bất dịch trong Đông y “Nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng, hàn ngộ hàn tắc tử” nghĩa là người có bệnh nhiệt hoặc cơ địa nhiệt dùng thuốc nhiệt thì dễ phát điên cuồng, người có bệnh hàn hoặc cơ địa hàn mà dùng thuốc có tính hàn có thể dẫn đến chết người.

Việc dùng thuốc Đông y chữa bệnh còn phải theo “Nhân thời, nhân địa, nhân bệnh chế nghi”, nghĩa là chữa bệnh căn cứ vào khí hậu, mùa, từng khu vực, thể bệnh, lứa tuổi, giới tính…

  • Mùa đông thời tiết lạnh dùng nhiều các vị thuốc cay ấm, giữ ấm cơ thể… Mùa hè thời tiết nóng ẩm, dùng các thuốc có tính mát, ăn uống thanh đạm dễ tiêu hóa, giảm thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, tránh ngồi nơi đất ẩm ướt, đồ ăn sống lạnh khi đang đi hay làm việc ở khu vực trời nắng nóng.
  • Phía Nam nóng ẩm có nhiều chứng bệnh thấp nhiệt nên chọn phép thanh nhiệt hóa thấp làm chính, phía Bắc lạnh lẽo, khô ráo có nhiều chứng bệnh phong hàn táo nên chọn ôn nhiệt nhuận táo là chính.
  • Về con người, dựa theo lứa tuổi, giới tính, thói quen khác nhau mà đặc điểm sinh lý khác nhau nên dùng các bài thuốc và liều lượng khác nhau. Ví dụ: người già khí huyết hư suy, trẻ em tạng phủ mềm yếu, dương thịnh âm khuyết.

Thuốc Đông y có những dạng nào?

Thuốc Đông y có 5 dạng chính:

  • Thuốc thang: cho nước vào ấm, đổ nước vừa đủ, nấu sôi thành thuốc nước uống. Đặc điểm thuốc thang là dễ gia giảm hợp với tình hình bệnh cho nên là loại thuốc thường được dùng nhiều nhất trên lâm sàng. Nhược điểm chính của thuốc thang là cồng kềnh, mất công sắc thuốc, mất thì giờ, tốn chất đốt, có lúc lượng thuốc nhiều đối với trẻ em sẽ khó uống.
  • Thuốc hoàn: đem thuốc tán bột mịn dùng với nước mật hoặc hồ viên thành hoàn. Ưu điểm của thuốc là cho đơn có được uống ngay nhưng thuốc để lâu khó bảo quản, liều lượng có khi phải dùng nhiều, trẻ nhỏ khó uống.
  • Thuốc tán: Thuốc được tán thành bột mịn dùng uống trong hoặc bôi ngoài, có lúc sắc cùng thuốc sắc. Nhược điểm của thuốc là khó bảo quản, khó uống đối với trẻ em.
  • Thuốc cao: Thuốc được sắc lấy nước cô đặc thành cao, thuốc có thể chế thành dạng sirô hoặc dạng rượu để dễ bảo quản. Có loại thuốc cao dán hoặc cao mỡ, dầu dùng bôi, đắp ngoài đối với bệnh ngoại khoa ngoài da.
  • Thuốc đơn: Chất thuốc là thuốc tán, các dạng cao thảo dược, được bào chế thành dạng viên nhỏ.
  • Ngoài ra, còn có các dạng thuốc ngâm rượu, thuốc xông, thuốc tắm, thuốc ngâm chân, thuốc đóng ống tiêm hiện đang sử dụng nhiều ở Trung quốc, các vị thuốc dùng trong các món ăn để bồi bổ cơ thể và chữa bệnh…

Thuốc thang và cách nấu đúng

Thuốc thang là dạng thuốc cổ truyền gồm có một hoặc nhiều vị thuốc kết hợp với nhau theo lý luận của Y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian được thầy thuốc cấu tạo và hướng dẫn sử dụng. Thuốc thang sắc uống là dạng thuốc có tác dụng tốt nhất vì trong một thang thuốc, thầy thuốc có thể cấu tạo bài thuốc phù hợp với từng cơ địa người bệnh và từng bệnh lý cụ thể còn cao – đơn – hoàn – tán chỉ có công thức tổng quát.

Theo Y học cổ truyền, để kê 1 đơn thuốc thang, người thầy thuốc sẽ dựa theo nguyên tắc quân – thần – tá – sứ. Trong đó:

  • Quân là vị thuốc chữa bệnh chính.
  • Thần là vị thuốc hỗ trợ nhằm làm tăng tác dụng của vị thuốc chính.
  • Tá là vị thuốc điều trị các triệu chứng kèm theo với bệnh chính.
  • Sứ là vị thuốc liên kết, phối hợp các dược liệu lại với nhau để đưa thuốc đến mô đích.

Cách sắc thuốc Đông y đúng cách

Chọn dụng cụ sắc thuốc

Ngày xưa, người bệnh thường chỉ dùng ấm đất để sắc thuốc. Ấm đất là sản phẩm giữ được nhiệt độ lâu, giữ nguyên hương liệu và hầu như không gây tương tác gì với thuốc. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, kĩ thuật, người bệnh có thể dùng nhiều dụng cụ sắc thuốc khác nhau như siêu bằng sành hay đất, siêu inox, siêu thủy tinh, ấm sắc thuốc bằng điện… Để sắc thuốc Đông y hiệu quả, người bệnh không nên dùng dụng cụ sắc thuốc bằng nhôm vì trong lúc sắc, có thể sinh ra một số thành phần tương tác với thuốc.

Số lần sắc thuốc

Thông thường với một thang thuốc Đông y, người bệnh phải sắc thuốc 2 lần. Nước nhất sử dụng 4 chén nước, còn lại hơn nửa chén. Nước thứ 2 sử dụng 2 chén nước còn lại nửa chén. Nước sắc được trong 2 lần hòa vào nhau rồi mới uống.

Thời gian sắc thuốc

Tùy vào thang thuốc mà thời gian sắc thuốc nhanh hay chậm. Sắc nhanh thì trung bình khoảng 20 phút, sắc chậm thì thời gian có thể 60 phút hoặc hơn. Thông thường, các loại thuốc có chứa tinh dầu thì sẽ sắc thuốc nhanh, còn các loại thuốc bổ thì sẽ phải sắc thuốc với thời gian lâu hơn.

Một số bài thuốc tự thực hiện tại nhà

Thuốc xông Y học cổ truyền

Tác dụng của xông hơi thuốc Y học cổ truyền:

  • Tăng sinh khả dụng của nó đối với nội mạc mạch máu gây giãn mạch ngoại vi.
  • Kích thích các cơ quan thụ cảm ở da làm tăng lưu thông máu trong cơ thể.
  • Tăng cường bài tiết chất độc thông qua tăng tiết mồ hôi.
  • Giảm hưng phấn thần kinh, giảm căng thẳng, giảm đau, giãn cơ.
  • Sử dụng thảo dược có tinh dầu giúp sát khuẩn đường hô hấp.

Các vị thuốc có tính ấm nóng hoặc có nhiều tinh dầu thường được sử dụng để làm thành phần bài thuốc xông như: tía tô, sả, lá chanh, é tía, củ gừng, củ riềng, bạc hà, lá ngũ trảo, hương nhu, ngải cứu, cứt lợn… tùy vào nguồn dược liệu có ở mỗi địa phương.

Thời gian xông 15 – 20 phút. Sau khi xông, lau sạch mồ hôi, mặc quần áo kín, uống 1 ly nước ấm > 200ml để tránh mất nước do ra mồ hôi.

Khi nào cần xông?

Khi bị cảm cúm do phong hàn: đau đầu, ngạt mũi, đau họng, rát họng, da khô không đổ mồ hôi. Sau khi xông, có thể ăn cháo nóng có tía tô, hành, tiêu, ớt…

Lưu ý: Số lần xông trong đợt cảm là 1 – 2 lần. Không xông quá nhiều lần sẽ bị hao tổn tân dịch, thoát dương làm ảnh hưởng đến toàn bộ sức khỏe. Không xông trong trường hợp cảm mà ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, mặt đỏ, mệt lả.

Đối với người có sức khỏe bình thường xông hơi để tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng, giảm đau… Xông 1 – 3 lần/tuần.

Thuốc ngâm chân thảo dược

Ngâm chân thảo dược là phương pháp đã được sử dụng lâu đời để trị liệu cũng như giúp cân bằng và thư giãn cơ thể. Bàn chân chứa hàng ngàn đầu tận thần kinh là nơi chịu sức nặng của cơ thể. Theo Đông y, bàn chân có 6 kinh mạch chạy qua và có hơn 300 huyệt đạo, cũng là nơi thấp khí dễ ứ đọng, dương khí khó đến do nằm ở vị trí thấp nhất của cơ thể. Dùng nước ấm hoặc nước ấm có chứa thảo dược giúp thông kinh lạc bị tắc nghẽn, kích thích các đầu tận thần kinh, tăng cường lưu thông máu, cải thiện trao đổi chất, cải thiện vi mạch ở bàn chân, cải thiện giấc ngủ, điều hòa thần kinh tự chủ, tăng cường sức đề kháng. Kết hợp với xoa bóp bàn chân trong quá trình ngâm giúp tăng cường các tác dụng trên.

Thảo dược có tác dụng tốt dùng ngâm chân: ngải cứu, sả, gừng, lá lốt, vỏ quế, muối hạt, vỏ bưởi, ngũ trảo, đinh hương, quế chi, thiên niên kiện… Kết hợp với các vị thuốc thuốc hoạt huyết như: huyết rồng, hồng hoa, tô mộc, xuyên khung, dây giác… khi có tình trạng tắc nghẽn, huyết ứ (tê bì, tuần hoàn bàn chân kém…).

Ngâm sao cho đúng cách:

  • Nấu dược liệu cùng với lượng nước thích hợp, thời gian nấu tùy vào loại dược liệu. Dược liệu có nhiều tinh dầu thì thời gian nấu nhanh (sau khi nước sôi), dược liệu ít tinh dầu thì thời gian nấu lâu hơn. Sau đó, thêm nước lạnh vào để làm dịu nước. Nhiệt độ phù hợp tùy vào mỗi người nhưng tránh dùng nước quá nóng. Người bệnh tiểu đường, rối loạn cảm giác ở chân nên để người khác thử nhiệt độ cho phù hợp. Trong quá trình ngâm, nếu nước nguội có thể thêm nước nóng vào.
  • Thời gian: 15 – 30p, ngâm trước khi đi ngủ là thời điểm thích hợp nhất.

Đối tượng không nên áp dụng:

  • Viêm nhiễm, vết thương hở ở bàn chân.
  • Suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

* Phụ nữ có thai nên thận trọng, không sử dụng các dược liệu có tính hoạt huyết.

Thuốc tắm

Trong Y học cổ truyền phương Đông, Dược Dụng Liệu Pháp là phương pháp sử dụng các loại thảo dược và nước để tắm toàn thân hay cục bộ nhằm mục đích phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Không chỉ tác động ở lớp da mà việc sử dụng các thuốc có mùi hương còn làm phấn chấn tinh thần, cải thiện sức khỏe đường hô hấp, phòng ngừa các bệnh ngoại cảm. Theo học thuyết trong Đông y, phế khai khiếu ra mũi và Phế chủ bì mao. Phế tương tự như hệ hô hấp, bì mao là phần bên ngoài của cơ thể bao gồm: da, lông, tuyến mồ hôi nên phương pháp này sử dụng các vị thuốc có mùi thơm, nhiều tinh dầu, có tính sát khuẩn, tiêu viêm tác động trực tiếp đến da, tuyến mồ hôi và gián tiếp đến hệ hô hấp theo nhiều cơ chế. Khi hệ hô hấp khỏe mạnh thì cũng biểu hiện ra bên ngoài da dẻ hồng hào, tươi nhuận. Gần đây, người ta cũng nghiên cứu ra trục phổi – da chúng có ảnh hưởng lẫn nhau thông qua hệ miễn dịch của cơ thể. Điều này tương đồng với các học thuyết trong Đông y có cách đây hàng nghìn năm.

Các vị thuốc trong dân gian có tác dụng tiêu viêm, sát khuẩn da, giảm ngứa: lá khế, lá me, lá đơn đỏ, sài đất, dây kim ngân, khổ qua, lá muồng, trầu không, cây gắm…

Các vị thuốc có mùi thơm, nhiều tinh dầu có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp, phấn chấn tinh thần, thư giãn, tăng sức đề kháng: bạc hà, bồ bồ, ngũ trảo lá, bạch chỉ, kinh giới, gừng, ngải cứu, cúc tần, hương nhu, húng chanh, tía tô…

Tùy vào mục đích sử dụng và nguồn thuốc tại địa phương, để lựa chọn vị thuốc phù hợp.

Dược thiện

Dược là dược liệu, thiện là món ăn. Dược thiện là những món ăn, thức uống mang tính chất trị liệu. Dược thiện là tinh hoa Đông y dùng thực phẩm làm chủ thể kết hợp với các dược liệu chế biến thành các món ăn. Người dùng dược thiện vừa hưởng thụ được cảm giác ngon miệng của ẩm thực mà sức khỏe còn được cải thiện, bệnh tật được chữa lành. Có thể nói, quá trình chế biến và ứng dụng dược thiện là môn khoa học đầy tính nghệ thuật. Dược liệu có thể dùng trong dược thiện có khoảng hơn 500 loại. Những loại thường dùng như: nhân sâm, đảng sâm, đông trùng hạ thảo, hoàng kỳ, hoài sơn (củ mài), hạt sen, đậu đen, đậu ván, đậu đỏ, đậu phộng, đậu nành, bạch truật, phục linh, cam thảo, đương quy, hà thủ ô, hoàng tinh, hạt óc chó, vừng (mè), táo đỏ, tổ yến, ý dĩ, mật ong, câu kỷ tử, ngân nhĩ, long nhãn nhục, cúc hoa, quả lê, củ cải trắng, nha đam, ô mai…

 “Hoàng đế nội kinh” chỉ ra rằng, dược liệu dùng để trị bệnh, còn thực phẩm dùng để tăng cường hiệu quả của thuốc, rút ngắn thời gian bệnh, dược thiện chính là một phần quan trọng không thể thiếu trong Y Học Cổ Truyền. Những y gia thời xa xưa đã chủ trương, lúc bệnh nặng thì dựa vào thuốc, khi bệnh tà suy yếu thì đồng thời với dùng thuốc, ẩm thực dinh dưỡng buộc phải được dùng kịp thời, phục hồi khí huyết, nâng cao khả năng kháng bệnh. Dược thiện thiên về dưỡng sinh, phục hồi, dùng thực phẩm làm chủ, lượng thuốc thường nhỏ, tác dụng chậm, tác dụng phụ cũng ít hơn nên có thể dùng dài ngày.

Kết luận

Bệnh chứng chia ra nhiều thể, điều trị Đông y là cá thể hóa từng bệnh nhân nên không có công thức hay bài thuốc chung, cố định mà thay đổi ở từng bệnh nhân, từng thời điểm của bệnh. Vậy nên, không tự sử dụng dùng thuốc Đông y mà không tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học (1999)
  2. Bộ môn dược học cổ truyền , Dược học cổ truyền, (2015)
  3. Nguyễn Công Tỷ, Huỳnh Văn Thanh, Dược liệu miền nam và các bài thuốc ứng dụng, Ủy ban khoa học tỉnh Tây Ninh (1991)
  4. Hussain J, Cohen M. Clinical Effects of Regular Dry Sauna Bathing: A Systematic Review. Evid Based Complement Alternat Med. 2018 Apr 24; 2018:1857413. doi: 10.1155/2018/1857413. PMID: 29849692; PMCID: PMC5941775.
  5. Leung, H.Y.C., Leong, P.K., Chen, J.H. and Ko, K.M. Inter-Organ Relationships among Gut, Lung and Skin beyond the Pathogenesis of Allergies: Relevance to the Zang-Fu Theory in Chinese Medicine. Chinese Me-dicine (2017) 8, 73-81[https://doi.org/10.4236/cm.2017.83006]

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 3 – năm 2023,
Chủ đề: SỬ DỤNG THUỐC HỢP LÝ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)