Thuốc bôi ngoài da

DS. Trần Thị Kim Hồng

Nhân viên Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Thuốc bôi ngoài da, còn được gọi là thuốc dùng ngoài, là dạng thuốc được sử dụng trực tiếp lên bề mặt da để điều trị các vấn đề tại chỗ như viêm nhiễm, kích ứng, nấm da… hoặc một số thuốc có tác động lên toàn bộ cơ thể sau khi được hấp thụ qua da. Thuốc dùng ngoài cho hiệu quả trị liệu trực tiếp tại vùng cần điều trị, giảm thiểu tác dụng phụ toàn thân và thuận tiện trong việc sử dụng. Ngoài ra, một số loại thuốc vận chuyển qua da được thiết kế để hấp thụ qua da và đi vào máu cung cấp việc giải phóng thuốc liên tục và có kiểm soát.

Các dạng thuốc dùng ngoài thường gặp [1]:

Thuốc mỡ, bột nhão, dầu

  • Thuốc mỡ là dạng thuốc mềm, hoạt chất được phân bổ trong tá dược là chất béo (dầu, sáp…). Thuốc mỡ khi sử dụng sẽ để lại 1 lớp màng bóng trên da, khó rửa trôi bằng nước thường.
  • Bột nhão (Pastes) là dạng thuốc mỡ đặc biệt có dược chất rắn, không tan ở dạng bột, kết cấu sản phẩm dày và đặc.
  • Dầu là chất béo dạng lỏng ở nhiệt độ phòng, thường gặp ở các dạng thuốc giảm đau, xoa bóp…

Kem, sữa dưỡng (Lotions)

  • Kem là dạng nhũ tương của chất béo và nước, trong đó, phần chất béo chiếm ưu thế. Kem có thể chất mềm mịn, dễ dàng di chuyển trên da, là dạng bào chế thường thấy nhất trong các loại thuốc dùng ngoài da.
  • Nhũ tương gốc nước được gọi là Lotions hay sữa dưỡng, thể chất lỏng hơn kem, dễ dàng hấp thu qua da, không bết rít để lại cảm giác thoải mái trên da khi dùng.

Gel, bột           

  • Gel là dạng trung gian của chất rắn & chất lỏng, thường có cấu trúc trong suốt. Gel tạo một lớp màng mỏng trên da và có tác dụng làm mát do nước bốc hơi trên da.
  • Bột: dạng bột khô được rắc trực tiếp lên da, làm khô và tạo lớp màng bảo vệ da, thông thường sử dụng trong các vết thương hở.

Thuốc xịt & miếng dán

  • Thuốc xịt: Thuốc được dùng ngoài da hoặc niêm mạc dưới dạng xịt thành tia/ giọt nhỏ.
  • Miếng dán: Hoạt chất được phóng thích qua da đi vào cơ thể cho tác động tại chỗ hoặc toàn thân. Nhóm thuốc này có ưu điểm có thể kiểm soát lượng thuốc & thời gian phóng thích, tiện lợi, dễ sử dụng.

Tùy theo nhu cầu sử dụng, mục đích điều trị, các tính chất dược lý của hoạt chất mà nhà sản xuất sẽ chọn các loại tá dược khác nhau để điều chế các dạng thuốc dùng ngoài khác nhau.

Phân loại thuốc bôi ngoài da

Trên thị trường hiện nay rất đa dạng các loại thuốc dùng ngoài, dựa trên thành phần hoạt chất và mục tiêu điều trị, các loại thuốc dùng ngoài thường gặp:

Nhóm thuốc kháng sinh, kháng nấm, diệt ký sinh trùng

  • Thuốc bôi kháng nấm: Loại thuốc này được sử dụng để điều trị các bệnh nấm da như nấm hắc lào, lang ben, nấm kẽ. Thuốc thường chứa hoạt chất ketoconazol, miconazol, terbinafine, clotrimazol… Ở một vài chế phẩm, có thêm sự phối hợp các chất steroid có tác dụng giảm triệu chứng viêm, ngứa…
  • Nhóm thuốc kháng sinh, kháng vi-rút:
  • Kem bôi kháng sinh thường được sử dụng trong việc điều trị mụn (mụn trứng cá, mụn viêm sưng đỏ), giúp ngăn chặn sự phát triển vi khuẩn và nhiễm trùng tại vùng da bị tổn thương. Các kháng sinh có trong chế phẩm dùng ngoài thường gặp bao gồm: Clindamycin, Erythromycin, Mupirocin, Neomycin… Ngoài ra, kem bôi kháng sinh còn được sử dụng điều trị bệnh chốc, lở trên bề mặt da, khi các mô sâu bên dưới chưa bị tổn thương.
  • Kem bôi có chứa hoạt chất kháng vi-rút (Aciclovir) được chỉ định trong điều trị nhiễm vi-rút Herpes simplex ở da, môi, bộ phận sinh dục.
  • Thuốc diệt ký sinh trùng: Hoạt chất thường thấy là Permethrin, Malathion… Nhóm thuốc này được sử dụng điều trị bệnh chấy vả ghẻ, rận ký sinh trên cơ thể.

Lưu ý: Đây là nhóm thuốc này cần được thăm khám, kê đơn và tuân thủ sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ. Tùy theo tác nhân gây bệnh và tình trạng bệnh lý mà có thể phối hợp thêm các loại thuốc uống để gia tăng hiệu quả điều trị.

Nhóm thuốc điều trị triệu chứng

Bệnh lý về da thường đi kèm các triệu chứng viêm, ngứa, bỏng rát khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Các hoạt chất có các tác dụng làm giảm triệu chứng tức thì có thể được phối hợp với hoạt chất điều trị hoặc nằm trong các sản phẩm đơn thành phần dùng điều trị các bệnh viêm da cơ địa, chàm… Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm, giảm dị ứng và thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý da viêm nhiễm như eczema, viêm da tiếp xúc và viêm da dị ứng. Ví dụ: nhóm thuốc corticosteroid (Hydrocortisone, Betamethasone), nhóm thuốc kháng histamine (Promethazin, Clorpheniramin, Diphenhydramine).

Các thuốc giảm ngứa tại chỗ thường được ưa thích hơn các thuốc giảm ngứa uống cho tác dụng toàn thân khi tổn thương là những vùng da nhỏ, ngứa không khó chữa. Bên cạnh đó, nhóm thuốc bôi có chứa hoạt chất giảm đau, kháng viêm NSAID (Non-steroid) như Ketoprofen, Diclofenac dùng để giảm đau và kháng viêm tại chỗ trong các trường hợp đau xương khớp hay đau cơ do, thuốc cho tác động nhanh và hiệu quả.

Nhóm thuốc sát khuẩn

Các chất khử trùng không đặc hiệu bao gồm: dung dịch iốt (Povidon iodid), tím gentian (hay còn gọi là thuốc tím), các chế phẩm bạc (ví dụ: bạc nitrat, bạc sulfadiazine)…

  • Iodine – thuốc tím gentian được sử dụng khi cần một chất khử trùng/ kháng khuẩn ổn định về mặt hóa học và vật lý, rẻ tiền dễ sử dụng, được dùng vệ sinh da trước khi thực hiện thủ thuật, các vết thương hở. Các vết thương đang lành không nên điều trị bằng các chất sát trùng tại chỗ trừ bạc vì chúng gây kích thích và có xu hướng phá vỡ mô hạt.
  • Các chế phẩm bạc có hiệu quả trong điều trị bỏng, các vết loét do có đặc tính kháng khuẩn mạnh và khả năng thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.
  • Hypochlorous acid là hợp chất oxy hóa mạnh mẽ có khả năng ức chế sự phát triển và lây lan của vi khuẩn, vi nấm và vi-rút hiệu quả, được sử dụng làm một chất khử trùng trong các chế phẩm rửa và xịt trong những năm gần đây.

Nhóm thuốc dán thấm qua da cho tác dụng toàn thân (TTS)

Thuốc dạng “Transdermal Therapeutic System” – một hệ thống cung cấp thuốc thông qua da. Đây là loại thuốc dạng dán trực tiếp lên da và thuốc được hấp thụ qua da vào cấu trúc dưới da và lan tỏa vào cơ thể dần dần. Cách thức hoạt động của thuốc TTS là phân phối liên tục hoạt chất thuốc trong suốt thời gian dán trên da, giúp cung cấp 1 lượng thuốc điều trị tương đối ổn định và  liên tục cho bệnh nhân.

Có nhiều loại thuốc TTS khác nhau, được sử dụng để điều trị các bệnh lý và triệu chứng khác nhau như đau thắt ngực, đau lưng, bệnh Parkinson, tai biến mạch máu não, tiểu đường và nhiều bệnh lý khác.

Lưu ý: Nhóm thuốc này thuộc thuốc kê đơn, không được tự ý sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc dùng ngoài

Một số bệnh ngoài da chỉ gây ảnh hưởng tạm thời nhưng một số khác lại có ảnh hưởng lâu dài và nguy hiểm khi bị biến chứng. Nếu nghi ngờ làn da của mình đang mắc bệnh, tốt nhất, bạn hãy đến khám ở bệnh viện càng sớm càng tốt. Không tự ý sử dụng các sản phẩm dùng ngoài cần kê đơn.

  • Xem xét kỹ hạn sử dụng và hạn sử dụng sau khi mở nắp. Ghi lại ngày mở nắp để chắc chắn rằng thuốc vẫn còn hạn sử dụng cho lần sau. Đậy nắp kỹ và bảo quản thuốc ở nơi khô, mát.
  • Để thuốc xa tầm tay của trẻ.
  • Tuyệt đối không nên bôi thuốc lên da rồi lại băng kín lại bằng khăn hoặc quấn gạc quá chặt.
  • Không trộn thêm thuốc vào các loại thuốc bột khác để tránh các tương kỵ hoá học làm giảm hoạt tính của thuốc. Không bôi cùng lúc nhiều loại thuốc mỡ lên vùng da được điều trị.
  • Khi chọn thuốc dùng ngoài da cho trẻ em cần lưu ý thêm một điều là da của trẻ mỏng và nhạy cảm hơn da của người lớn, chưa bị sừng hóa nhiều nên dược chất cũng dễ đi qua hơn. Do đó, phải lựa chọn loại thuốc phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Kết luận

Thuốc bôi ngoài da đóng vai trò quan trọng trong điều trị nhiều bệnh lý da phổ biến. Với thao tác sử dụng đơn giản, không quá phụ thuộc vào tình trạng sinh của người bệnh, mang lại hiệu quả cao do tác động trực tiếp vào vùng cần điều trị, tránh được tác dụng phụ toàn thân. Tuy nhiên, việc sử dụng đúng liều lượng và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ là cực kỳ quan trọng để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị bằng thuốc bôi ngoài da.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguồn: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK361003/

[2] Moustafa F et al. (2017). “Topical versus systemic corticosteroids in the treatment of allergic contact dermatitis: A prospective, randomized, double-blind clinical trial.” Dermatitis, 28(4), 261-267.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 3 – năm 2023,
Chủ đề: SỬ DỤNG THUỐC HỢP LÝ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)