Bạn hỏi – Bác sĩ trả lời | Chủ đề: “Hiểu đúng về phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe trong dịch bệnh Covid-19”

Nhằm hỗ trợ quý Doanh nghiệp cũng như các anh/chị/bà con có được những những thông tin bổ ích, kịp thời và chính thống xoay quanh các vấn đề liên quan đến tình hình dịch bệnh hiện nay, vào ngày 29.07.2021 vừa qua, Bệnh viện đa khoa Hồng Hưng đã phối hợp cùng với Trung tâm đào tạo TPA và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh cùng nhau thực hiện hội thảo ONLINE:

  • Chủ đề: “HIỂU ĐÚNG, PHÒNG BỆNH & BẢO VỆ SỨC KHOẺ TRONG DỊCH BỆNH COVID-19”,
  • Diễn giả: Bác sĩ CK.II – Đào Anh Dũng – Phó Giám đốc thường trực – Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực & chống độc, BVĐK Hồng Hưng.

Cùng BVĐK Hồng Hưng điểm lại những câu hỏi nổi bật, đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân hiện nay ngay tại bài viết này nhé!

Câu hỏi 1: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người không tránh khỏi tâm lý hoang mang, nhất là những người có bệnh nền. Vậy cần hiểu như thế nào về khái niệm bệnh nền và những bệnh nền nào được xem là nguy hiểm trong giai đoạn hiện nay ạ?

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn, vừa qua, Quyết định 3646/QĐ-BYT ngày 31/7/2021 ban hành đã đưa ra các tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2. Theo đó, kèm theo Quyết định này là phụ lục các bệnh lý nền có nguy cơ cao làm căn cứ để xác định người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 gồm:

  ▪  Đái tháo đường,
  ▪  Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác,
  ▪ 
Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác),
  ▪ 
Bệnh thận mạn tính,
  ▪ 
Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu,
  ▪ 
Béo phì, thừa cân,
  ▪ 
Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim),
  ▪ 
Bệnh lý mạch máu não,
  ▪ 
Hội chứng Down,
  ▪ 
HIV/AIDS,
  ▪ 
Bệnh lý thần kinh, bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ,
  ▪ 
Bệnh hồng cầu hình liềm,
  ▪ 
Bệnh hen suyễn,
  ▪ 
Tăng huyết áp,
  ▪ 
Thiếu hụt miễn dịch,
  ▪ 
Bệnh gan,
  ▪ 
Rối loạn sử dụng chất gây nghiện,
  ▪ 
Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác,
  ▪ 
Các loại bệnh hệ thống.

Câu hỏi 2: Theo nội dung bài nói chuyện, sau khi vi-rút Sars-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ trải qua 2 quá trình là khởi phát & toàn phát. Vậy trong giai đoạn là khởi phát, nguy cơ lây nhiễm của Sars-CoV-2 là như thế nào và trong giai đoạn hay thời điểm nào, nguy cơ lây nhiễm  Sars-CoV-2 của F0 là cao nhất?

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn, như trong bài giới thiệu có đề cập đến biểu hiện của Covid-19 khi vào cơ thể của chúng ta. Thời gian ủ bệnh của vi-rút Sar-co-2 là khoảng từ 1-2 tuần, sau đó mới bắt đầu có các biểu hiện triệu chứng. Tức là, lúc này, nồng độ vi-rút đang tăng dần lên. Tuy nhiên, trong giai đoạn ủ bệnh, không triệu chứng, người nhiễm bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác. Đặc biệt, từ ngày thứ 1 đến ngày 7 từ khi có triệu chứng, nồng độ vi-rút và nguy cơ lây nhiễm rất cao, và sau ngày thứ 10, nồng độ và nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn mới nhất từ BYT, sau ngày thứ 10, đối với những người bệnh không còn triệu chứng gì, khi thực hiện xét nghiệm PCR sẽ cho kết quả xác định nồng độ vi-rút thấp (CT>30). Lúc này, người bệnh có thể được đưa về và tự cách ly tại nhà.

Câu hỏi 3: Ở nhà, nếu muốn nấu nước chanh hay nước gừng, sả để uống thì nấu và uống như thế nào là đúng cách? Đối với việc nấu nước xông cho em bé và người già có tốt không?

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn, về các cách điều trị Covid-19 hiện nay, thì chưa có cách/ thuốc điều trị đặc hiệu. Riêng về các loại thực phẩm, cũng chưa có khuyến cáo chính thức là dùng loại thực phẩm nào sẽ tốt, cũng như có thể ngăn ngừa hay điều trị được Covid-19 cả. Để ngăn ngừa nhiễm Covid-19, hiện nay, chúng ta chỉ có các khuyến cáo nên thực hiện 5K và nếu có/ được, chúng ta nên thực hiện tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Còn đối với các hoạt động như nấu nước chanh hay nước gừng, sả để uống hoặc xông, nếu có tác dụng đối với các bệnh lý khác thì mình vẫn có thể tiếp tục thực hiện, không cần điều chỉnh tăng liều lượng. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh các biện pháp này không có tác dụng ngăn ngừa hay điều trị đối với Covid-19.

Câu hỏi 4: Giai đoạn này, có nhiều người đi tiêm chủng Cúm mùa, vậy vắc-xin Cúm mùa có tác dụng hỗ trợ gì đối với phòng ngừa Covid-19 hay không?

Bác sĩ trả lời:

Chào chị, vi-rút Sars-CoV-2 khác với vi-rút cúm mùa. Trong giai đoạn này, ngoài việc phòng ngừa Sars-CoV-2, chúng ta cũng nên chú ý phòng ngừa các bệnh khác, trong đó có bệnh cúm mùa. Ngoài ra, nếu chị và gia đình có đang mắc phải các bệnh lý như: tiểu đường, tăng huyết áp… hoặc bệnh lý gì khác cũng nên tiếp tục điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên lo ngại các vấn đề lây nhiễm mà hoãn việc điều trị bệnh.

Đối với việc tiêm chủng, không chỉ có chích ngừa cúm mùa, nếu đến lịch tiêm các loại vắc-xin khác, bạn cũng nên thực hiện tiêm đúng lịch. Việc tiêm ngừa các loại bệnh này, tuy không hỗ trợ cho việc phòng ngừa Covid-19, nhưng nó sẽ giúp chúng ta sẽ không mắc thêm các bệnh khác trong giai đoạn này.

Câu hỏi 5: Những người đã nhiễm Covid-19, sau quá trình điều trị, đã được xác định âm tính và cho về sinh hoạt tại nhà. Vậy người nhà của những người bệnh được xuất viện này cần tiếp xúc như thế nào và có cần phòng bệnh đối với những người bệnh được xuất hiện hay không?

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn, những người bệnh Covid-19, thông thường từ sau ngày thứ 10 đến ngày thứ 14, sẽ có dấu hiệu lui bệnh, hết triệu chứng. Tuy nhiên, một số người bệnh có thể vẫn còn mang vi-rút với nồng độ thấp, khiến xét nghiệm PCR không phát hiện được và cho kết quả âm tính. Hoặc là sắp tới đây, chúng ta có thể tiến hành điều trị F0 tại nhà, đối với những người bệnh trước có triệu chứng, nhưng sau ngày thứ 10 không còn triệu chứng nữa. Vì thế, trong giai đoạn điều trị tại nhà, những người này có thể vẫn còn mang vi-rút, mặc dù khả năng lây nhiễm cho người khác là khá thấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên giữ khoảng cách an toàn và cách ly người bệnh trong 2 tuần tiếp theo, cũng như thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp cách ly phòng ngừa tương tự như khi chúng ta là F1.

Câu hỏi 6: Hiện tại, ở nhà em có người bệnh ung thư giai đoạn đầu và có biểu hiện dị ứng với bột nở, bột mì… có thể dẫn đến ngất. Vậy thì người có bệnh nền và dị ứng như thế có nên chích vắc-xin ngừa Covid-19 hay không? Nếu không được, nhờ Bác sĩ tư vấn thêm về cách phòng ngừa Covid-19 cho những người có sức khỏe không đảm bảo trong giai đoạn này ạ?

Bác sĩ trả lời:

Thứ nhất, về vấn đề chích ngừa vắc-xin, những người chống chỉ định hay những người không được chích vắc-xin là những người có dấu hiệu sốc phản vệ mức độ nặng (ví dụ  như đối với các trường hợp dị ứng, nếu như bạn có thể tự hết tại nhà thì không được xem là nặng, sốc phản vệ mức độ nặng thường là trường hợp phải điều trị tại các CSYT. Vì lúc này, bệnh nhân thường bị khó thở, tụt huyết áp và cần hỗ trợ y tế khẩn cấp). Các trường hợp khác, đa số sẽ thuộc các trường hợp hoãn tiêm chủng:

  • Người bệnh cấp tính đang phải điều trị, chưa kiểm soát được tình trạng cấp tính;
  • Người bệnh mạn tính đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (thường là bệnh ung thư giai đoạn cuối), xơ gan mất bù nặng;
  • Những người uống thuốc corticoid liều cao trong vòng 2 tuần lễ;
  • Người đã nhiễm covid-19 trong 6 tháng gần đây;
  • Phụ nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ.

Bạn cần biết rằng hoãn tiêm ngừa khác với chống chỉ định. Nếu chống chỉ định là không tiêm ngừa được, thì hoãn tiêm ngừa chỉ là chưa được tiêm trong giai đoạn này. Chúng ta cần chờ đến giai đoạn an toàn hơn, hoặc chờ đến khi có những báo cáo, nghiên cứu cập nhật mới về vắc-xin, có thể sẽ có những điều chỉnh đối với các quy định hoãn tiêm ngừa hiện tại. Đối với người nhà của bạn, như bạn có nói là đang mắc ung thư giai đoạn đầu, nếu chưa phải bệnh nặng/ giai đoạn cuối và chưa dùng thuốc ức chế miễn dịch, sẽ không thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin.

Thứ hai, đối với băn khoăn rằng những người bệnh mạn tính cần phòng ngừa gì, thì cách phòng ngừa cũng giống như những người bình thường khác, thực hiện 5K… và đặc biệt, phải duy trì việc điều trị bệnh nền hiện tại.

Câu hỏi 7: Có thông tin là vắc-xin ngừa Covid-19 khá mạnh, ngay cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh còn cảm thấy mệt sau khi tiêm. Vì thế, đối với những người cao tuổi từ 55 tuổi trở lên, đang có 2 luồng ý kiến, một là cần ưu tiên tiêm ngừa cho nhóm đối tượng này, hai là lo sợ nhóm đối tượng này thường có bệnh nền, sức khỏe yếu sẽ chịu không nổi các phản ứng sau tiêm. Nhờ Bác sĩ tư vấn và cho ý kiến về 2 ý kiến này.

Bác sĩ trả lời:

Đối với vắc-xin ngừa Covid-19, chúng ta thường ưu tiên cho những nhóm đối tượng dễ nhiễm bệnh và đối tượng khi nhiễm bệnh thì dễ chuyển biến nặng. Các phản ứng sau tiêm thường gặp là như: sưng đau, nổi mẩn đỏ tại vùng tiêm ngừa, nhiều người sẽ có biểu hiện mệt mỏi, sốt, nhức mình, đau cơ, chán ăn… tuy nhiên, những tác dụng phụ nhẹ này sẽ qua đi sau 24-48 giờ sau khi tiêm.

Còn các tác dụng phụ nặng như giảm tiểu cầu và đông máu, khả năng xảy ra cực kỳ thấp, xác suất trên 1 triệu người tiêm chỉ khoảng 4-5 người có thể gặp phải, tuy nhiên, các đơn vị thực hiện tiêm ngừa vắc-xin luôn có những chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu khi cần thiết. Mọi người đừng quá hoang mang, lo lắng. Vì hiện tại, vắc-xin được xem là cách phòng ngừa Covid-19 khá hữu hiệu, cũng như có hiệu quả giảm thiểu đáng kể tình trạng trở nặng ở người bệnh. Đặc biệt, đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, như người lớn tuổi, người có bệnh nền, nếu không phải đối tượng chống chỉ định, chúng ta nên thực hiện tiêm ngừa.

Câu hỏi 8: Nếu tiếp xúc với F0 mà thực hiện đầy đủ 5K hoặc hơn thế nữa như là cách xa từ 3m trở lên, có được xem là F1 hay không? 

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn, các cụm từ F0, F1… chỉ là cách gọi để chúng ta dễ dàng truy vết những trường hợp tiếp xúc mà thôi. Chúng ta cần hiểu sâu hơn về mức độ và nguy cơ mà chúng ta có khả năng lây nhiễm hay không. Như trong bài nói chuyện có đề cập, những người có nguy cơ cao chính là những người tiếp xúc gần (dưới 2m), những người tiếp xúc trên 2m vẫn có nguy cơ, tuy nhiên nguy cơ là rất thấp. Đứng càng xa và có mang thêm khẩu trang nữa, thì nguy cơ lây nhiễm là vô cùng thấp.

Câu hỏi 9: Hiệu quả phòng ngừa của vắc-xin sau khi tiêm mũi 1 cũng như sau khi tiêm đủ 2 mũi là khoảng bao nhiêu %? Nhiều người cho rằng, sau khi mình tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì hoàn toàn không có khả năng nhiễm bệnh, có đúng hay không? Thêm một ý nữa là, nếu bản thân đã tiêm đủ 2 mũi, khi vô tình mang vi-rút trên người, thì có thể bản thân sẽ không bị nhiễm nhưng có thể mang vi-rút đó về nhà và có nguy cơ làm lây nhiễm cho người thân trong nhà hay không?

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn, có nhiều nguồn thông tin nói rằng, một số loại vắc-xin có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh được khoảng 70%, một số loại khác có thể lên đến 90%. Tuy nhiên, đến hiện nay, chưa có báo cáo chính thức nào về % hiệu quả của từng loại vắc-xin cũng như % ngăn ngừa lây nhiễm sau khi tiêm mũi 1 hoặc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là bao nhiêu %. Tuy nhiên, có thể chia sẻ với chị rằng, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, chúng ta vẫn không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm, vắc-xin chỉ có tác dụng làm giảm nguy cơ lây nhiễm hoặc nguy cơ trở nặng khi nhiễm phải vi-rút mà thôi.

Đối với ý thứ hai của chị, về khả năng lây nhiễm cho người thân của những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, hiện cũng chưa có báo cáo chính thức. Tuy nhiên, có thể nói rằng, đối với những người đã tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin, khi tiếp xúc với vi-rút thì mang nồng độ rất thấp, vì thế, khả năng lây nhiễm cho người thân cũng sẽ khá thấp.

Câu hỏi 10: Bác sĩ có thể giới thiệu một số loại thuốc y dược/ đông dược nào có thể giúp mọi người tăng cường đề kháng trong giai đoạn dịch bệnh đang chuyển biến hết sức phức tạp như hiện nay không ạ?

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn, hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh nhân Covid-19, các loại thực phẩm cũng như các loại thuốc y học cổ truyền vẫn chưa được Bộ Y tế đưa vô phác đồ chính thức để chăm sóc, hỗ trợ cho người bệnh Covid-19.  Chúng ta cứ ăn uống bình thường, đủ chất và cho dù khi chúng ta là F1 đi nữa. Nếu có các triệu chứng sốt thì cũng nên uống các loại thuốc hạ sốt paracetamol đúng liều lượng như đã nói.

Câu hỏi 11: Hiện nay, trên thế giới xuất hiện khá nhiều biến thể vi-rút khác nhau, vậy khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, cùng phác đồ tiêm là 2-3 mũi, nếu chúng ta tiêm nhiều loại vắc-xin khác nhau thì khả năng kháng bệnh sẽ cao hơn khi tiêm cùng 1 loại có đúng không Bác sĩ?

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn, về các loại vắc-xin ngừa Covid-19, ví dụ như đối với vắc-xin Astrazeneca, phác đồ tiêm gồm 2 mũi, mũi 1 cách mũi 2 là 8-12 tuần (theo khuyến cáo của BYT). Hiện chỉ có khuyến cáo là mũi 1 chúng ta chích loại vắc-xin nào thì mũi 2, chúng ta nên chích đúng loại vắc-xin đó là tốt nhất.

Tuy nhiên, trong tình hình thực tế như hiện nay, khi nguồn cung ứng vắc-xin đang hạn chế, để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận và được tiêm ngừa vắc-xin, Bộ Y Tế có đưa ra hướng dẫn là những ai đã chích mũi 1 Astrazeneca, mũi thứ 2 vẫn có thể chích thay thế bằng vắc-xin của hãng khác. Chưa có nghiên cứu, báo cáo chính thức về việc chích mũi 1 vắc xin này, mũi 2 vắc xin khác có thể ngăn ngừa nhiều chủng vi-rút. Nếu quan tâm vấn đề này, tôi nghĩ, chúng ta cần đợi thêm các báo cáo mới sau khi chính thức được công bố để có thể khẳng định chính xác.

Câu hỏi 12. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam mình, có nhiều người chỉ được tiêm 1 mũi vắc-xin và không có đủ vắc-xin để họ có thể được tiêm mũi 2. Vậy đối với những người này, nếu như sau thời gian lý tưởng, ví dụ như là 12 tuần, mà không có vắc-xin hoặc vắc xin không về kịp, có thể đợi thêm nữa, đến 6 tháng/ 1 năm, thì tác dụng của vắc xin có được đảm bảo, và họ có cần phải tiêm lại mũi đầu tiên hay không?

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn, hiện tại, vẫn chưa có những quy định và hướng dẫn chính thức đối với những trường hợp này, kể cả đối với vấn đề chích nhắc lại đối với những người đã chích đủ 2 mũi cũng chưa có những hướng dẫn chính thức. Vì thế, chúng ta cần chờ những khuyến cáo mới nhất được cập nhật từ Bộ Y Tế.

Bên trên là những câu hỏi nổi bật, đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân hiện nay mà BVĐK Hồng Hưng cũng như BS.CKII Đào Anh Dũng đã ghi nhận & thực hiện giải đáp trong buổi hội thảo Online đã diễn ra.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về những vấn đề khác xoay quanh tình hình dịch bệnh Covid-19, bạn có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho chúng tôi thông qua các kênh truyền thông hiện tại của BVĐK Hồng Hưng như: Fanapge Hong Hung Hospital, hotline của bệnh viện 0276 3836 991 – 0941 696 939… Câu hỏi sẽ được tổng hợp và gửi đến BS.CII Đào Anh Dũng để được hỗ trợ giải đáp và sẽ gửi lại phản hồi đến bạn trong thời gian sớm nhất. 

Xem thêm:

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 đến 16h00

  • Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
  • Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
  • Email: info@honghunghospital.com.vn
  • Website: www.honghunghospital.com.vn
  • Fanpage: Hong Hung Hospital