Biểu hiện ngoài da các bệnh truyền nhiễm

Bs. Trần Thị Thanh Trang – Bác sĩ Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Bệnh truyền nhiễm thường gây các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt, mệt mỏi… và các triệu chứng nhiễm trùng tại cơ quan, tuy nhiên triệu chứng ngoài da cũng rất thường gặp. Các biểu hiện ngoài da này rất đa dạng như mảng hồng ban, bóng nước, xuất huyết, sẩn, viêm mủ ở da… Tùy vào đặc điểm khởi phát, vị trí hình dạng tổn thương, mức độ lan và các triệu chứng kèm theo sẽ giúp nhận diện các bệnh truyền nhiễm. Sau đây là các nhóm tổn thương da trong một số bệnh truyền nhiễm thường gặp.

Các bệnh gây bóng nước da:

a. Bệnh đậu mùa khỉ: với biểu hiện ngoài da bắt đầu bằng hồng ban nổi sẩn đỏ chuyển thành mụn nước chuyển sang mụn mủ đóng mài khô, bong mài. Thường bắt đầu ở mặt sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra bệnh này có đặc điểm là gây nổi hạch toàn thân.

b. Thủy đậu: nốt hồng ban rồi tiến triển thành mụn nước, bóng nước. Thông thường, xuất hiện ở mặt, ngực, lưng rồi dần lan ra các vùng khác. Ban đầu mụn chỉ chứa dịch màu trong suốt nhưng sau 24 giờ sẽ chuyển thành mụn mủ và đóng vẩy sau 2 – 3 ngày.

c. Zona: Các dải ban sẽ nổi lên, tấy đỏ, phồng lên dạng nốt phỏng, dịch trong suốt ở ngay vị trí đau. Thường mọc theo các dây thần kinh và ở 1 bên của cơ thể, không bao giờ lan sang bên kia. Sau đó nó sẽ tụ mủ và đóng vảy trong 10-12 ngày.

d. Bệnh Tay – Chân – Miệng: loét miệng – lúc đầu là chấm hồng ban, trong vòng 24 giờ tiến triển thành mụn nước có đường kính từ 2 – 4mm, gây đau, chảy nước miếng, vết loét đỏ hay phỏng nước. Thông thường ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông… tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày). Đôi khi dạng dát sẩn không có mụn nước, kích thước thay đổi từ 2-10mm, hình tròn hay hình bầu dục, nổi cộm hoặc ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau. Các tổn thương da tự hết trong vòng 1 tuần, mụn nước khô sẽ để lại vết thâm da, không loét.

Các bệnh gây ban xuất huyết da:

a. Bệnh do não mô cầu: Nốt tử ban hình sao, sau 1-2 ngày sốt. Đây là các ban da hoại tử, màu xanh tím hoặc đỏ thẫm nổi bật trên da, đường kính từ 1 – 5mm, lan truyền rất nhanh. Các nốt tử ban có thể xuất hiện độc lập hoặc gộp thành đám, khiến cả vùng da hoại tử với bề mặt bằng phẳng. b. Bệnh sốt xuất huyết: là bệnh do virus Dengue gây nên lây truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Thường sốt cao đạt tới 39 – 40 ° C, xuất huyết dưới da dạng nốt, chấm xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sốt, kèm chảy máu cam hoặc máu chân răng. Đến ngày 7 của bệnh thường có ban phục hồi: là tử ban dạng chấm trên nền da đỏ hồng ở cẳng chân.

 

Các bệnh gây hồng ban mau bay:

a. Bệnh Rubella: ban dạng dát sẩn đỏ hồng, mọc lúc đầu ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính chừng khoảng 1-2mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng lẻ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người, chỉ sau 2-3 ngày là bay hết.

Các bệnh gây lở loét da:

a. Herpes: phân thành 2 loại: herpes miệng, herpes sinh dục, tổn thương dưới dạng mụn nước hoặc nhiều mụn nước trên các khu vực bị ảnh hưởng. Gây ngứa và nóng ran, mụn nước vỡ ra thì tạo thành các vết loét.

 

b. Sởi: Ban sởi cũng dạng dát sẩn hồng, mịn, mọc tuần tự từ trên đầu, mặt xuống, sau khi bay để lại các vảy như phấn rôm, trên da có các vằn màu sẫm. Ngoài ra có thể có những đốm trắng nhỏ với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng ở vùng niêm mạc má, được gọi là dấu Koplik.

b. Chốc lở: Thương tổn là mụn nước, mụn mủ với quầng viêm xung quanh lan rộng ra và lan sâu xuống bên dưới lớp da vài ngày sau đó chất dịch khô rồi đóng mày ở bên trên khi mày tróc để lộ vết loét sâu bờ nhô cao, vết loét rất chậm lành, khi lành để lại sẹo lõm, tăng sắc tố xung quanh, thương tổn hầu như ở chi dưới nhất là cẳng chân và lưng bàn chân thường gặp ở trẻ em vệ sinh kém, suy dinh dưỡng, người bệnh đái tháo đường, nghiện rượu.

Các bệnh gây các biểu hiện khác

a. Sốt mò: lây qua vết đốt côn trùng có ấu trùng mò, vết loét có dạng hình bầu dục có vẩy đen hoặc đã bong vẩy, thường không đau, khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng, v.v… sưng hạch tại chỗ vết loét, hạch toàn thân, sốt cao liên tục, có thể kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người, hồi phục nhanh nếu được điều trị thích hợp. b. Bệnh lậu: Là một trong những bệnh lây qua đường tình dục. Biểu hiện chủ yếu ở bộ phận sinh dục đối với nam là viêm niệu đạo, đối với nữ là viêm cổ tử cung có thể có triệu chứng: tiểu mủ, tiểu gắt, tiểu nhiều lần, tính chất mủ vàng xanh loãng tiểu ra liên tục trong ngày, miệng sáo đỏ có thể sưng hoặc không có triệu chứng. Ngoài ra các bộ phận khác có thể bị nhiễm như: mắt, họng, hậu môn – trực tràng hoặc lậu lan tỏa ở da, khớp, nội tâm mạc.

d. Bệnh giang mai:
Giang mai thời kỳ đầu: Đặc trưng của thời kỳ này là săng giang mai với các biểu hiện sang thương là vết trợt tròn hoặc bầu dục, đáy sạch, trơn láng màu đỏ, viền cứng luôn có hạch ở vùng lân cận và thường nổi ở bộ phận sinh dục.
Thời kỳ 2:
– Đào ban: Các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình.
– Sẩn giang mai với nhiều hình thái đa dạng: sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm và có thể có viền vảy xung quanh. Sẩn giang mai dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoạt tử…
– Sẩn phì đại: hay gặp ở hậu môn , sinh dục.
Các biểu hiện này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như dị ứng, vẫy nến và có thể tự mất đi mà không điều trị gì.
Thời kỳ 3: “Gôm” giang mai ở da, cơ, xương

Kết luận
Bệnh truyền nhiễm đặt trưng bởi hội chứng nhiễm trùng và tính chất lây lan, tuy nhiên biết được các biểu hiện ngoài da của chúng cũng gợi ý giúp chúng ta định hướng chẩn đoán và phần nào đánh giá được giai đoạn của bệnh.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2022,
Chủ đề: Các bệnh lý về da & chăm sóc sắc đẹp
(xem toàn bộ bản tin:  Tại đây)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Sách Bệnh Truyền Nhiễm – ĐH Y Dược TPHCM 2008
2. Hình ảnh: nguồn internet