Các sang thương da thường gặp ở trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ

ThS.BS Nguyễn Thanh Phước Phó khoa Nhi-Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Sau sinh da trẻ sơ sinh được bao bọc bởi lớp “chất gây” (Vernix caseosa), là một chất màu trắng như sáp được tìm thấy phủ trên da của trẻ sơ sinh, có một số vai trò bảo vệ trong quá trình phát triển của bào thai và trong vài giờ sau khi sinh. Tuy nhiên, da của trẻ sơ sinh có độ dày chỉ bằng 40% đến 60% của da người lớn, các cấu trúc còn lỏng lẻo, lớp dưới da chưa trưởng thành. Tỷ lệ diện tích bề mặt cơ thể so với trọng lượng của trẻ sơ sinh lên đến 5 lần so với người lớn. Những khác biệt quan trọng này khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ bị tổn thương da, nhiễm trùng da và nhiễm độc da tăng lên và nguy cơ càng cao khi trẻ sanh càng non tháng. Sau đây là các sang thương da phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh (Erythema toxum neonatorum)

Xảy ra ở 30-70% trẻ sinh đủ tháng, là mụn mủ phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Căn nguyên chưa được biết. Tổn thương là dạng dát và sẩn ban đỏ màu vàng hoặc trắng có xuất hiện mụn mủ trên nền ban, phân bố chủ yếu ở thân và các chi ngoại trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân. Thường xuất hiện 24-48h sau sinh và tự khỏi trong vòng 1 tuần hoặc vài tuần mà không cần điều trị, chỉ cần đảm bảo vùng tổn thương được sạch và khô thoáng.

 

Mụn mủ ở trẻ sơ sinh hay “mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh” (Neonatal cephalic pustulosis)

Xảy ra ở khoảng 20% trẻ sơ sinh. Thời điểm khởi phát trung bình là 3 tuần tuổi. Nó được đặc trưng bởi các sẩn viêm và mụn mủ, thường không có tổn thương mụn trứng cá và phân bố giới hạn ở mặt (đặc biệt rõ rệt trên má) và đôi khi ở da đầu. Tình trạng này thường nhẹ và có thể được điều trị bằng cách rửa mặt hàng ngày với xà phòng và nước, tránh dùng dầu và kem dưỡng da. Thông thường không cần điều trị bổ sung, mặc dù kem ketoconazole 2%, kem benzoyl peroxide 2,5% hoặc kem hydrocortisone 1% đã được chứng minh là có thể đẩy nhanh việc loại bỏ các tổn thương.

Mụn trứng cá ở trẻ nhỏ (Infantile acne)

Khác biệt với mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh, mụn này thường xuất hiện khi trẻ 3-4 tháng tuổi. Đó là kết quả của sự tăng sản các tuyến bã nhờn thứ phát sau kích thích androgen và phổ biến hơn ở các bé trai. Biểu hiện lâm sàng của mụn trứng cá ở trẻ nhỏ thường nghiêm trọng hơn so với mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh và bao gồm các tổn thương dạng mụn điển hình bao gồm sẩn viêm, mụn bọc, mụn mủ, thỉnh thoảng có nốt ở mặt. Diến biến lâm sàng điển hình là các tổn thương tự khỏi vào cuối năm đầu tiên của cuộc đời, nhưng có thể kéo dài cho đến khi trẻ được 3 tuổi. Đôi khi cần phải điều trị vì những tổn thương này có thể tồn tại và có thể gây sẹo vĩnh viễn. Khi bị viêm nhẹ hoặc vừa, có thể điều trị bằng thuốc tiêu sừng nhẹ, chẳng hạn như benzoyl peroxide 2,5%, kháng sinh tại chỗ (ví dụ clindamycin hoặc erythromycin) hoặc steroid tại chỗ. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể sử dụng liệu pháp kháng sinh toàn thân hoặc uống isotretinoin.

Bệnh acropustulatosis ở trẻ nhỏ (Infantile acropustulatosis)

Là một tình trạng mụn nước lành tính với diễn biến thường mãn tính đặc trưng bởi nhiều mụn nước tái phát, ngứa dữ dội, chủ yếu ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, nhưng đôi khi ở tứ chi. Chúng có thể xuất hiện khi mới sinh hoặc khởi phát bất kỳ lúc nào trong năm đầu đời. Các đợt tái phát có thể xảy ra sau mỗi 2-4 tuần và có thể kéo dài 5-10 ngày, thường hết trong vòng 2 năm. Có thể điều trị bằng corticosteroid tại chỗ, thuốc kháng histamine uống, erythromycin uống và dapsone uống.

Bóng nước do bú nút (Suckling blisters)

Đây là những mụn nước hoặc bóng nước hình bầu dục, thành dày chứa đầy dịch vô trùng. Tổn thương có thể có hiện tượng xói mòn hoặc đóng vảy. Chúng cỏ thể là một bên hoặc hai bên và thường nằm ở mặt lưng của cổ tay, bàn tay hoặc ngón tay của trẻ sơ sinh được ghi nhận là trẻ bú quá nhiều ở các vùng liên quan. Thường không cần điều trị nhưng đối khi có thể dùng thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ.

Mụn thịt (Milia)

Mụn thịt là những nốt sẩn màu vàng trắng dài 1-2mm được tìm thấy trên mũi, má, cằm và trán. Nguyên nhân do sự lưu giữ chất sừng và chất bã nhờn trong các nang lông. Những tổn thương này biến mất tự nhiên trong tháng đầu tiên sau sinh.

Cutis marmorata

Sang thương đối xứng, có đốm dạng lưới của da ở các chi và thân. Gây ra bởi phản ứng của mạch máu với lạnh và thường biến mất khi làm ấm. Không cần điều trị.

Phát ban nhiệt (Miliaria)

Sang thương phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở những nơi có khí hậy ấm áp, do mồ hôi tích tụ. Thường xảy ra trong tháng đầu sau sinh với tỷ lệ khoảng 40%. Một số hình dạng thường gặp là: mụn thịt, mụn nước dạng nhỏ không viêm, mụn mủ có viêm. Miliaria thường xuất hiện trong tuần đầu sau sinh đặc biệt là khi trẻ được sưởi ấm hoặc lồng ấp, phân bố trên mặt, da đầu và vùng kẽ. Không cần điều trị chỉ cần cho trẻ ra môi trường thoáng mát hơn, nếu viêm nặng có thể dùng cortisteroid liều thấp bôi ngoài da.

Thay đổi màu sắc Harlequin (Harlequin color change)

Được quan sát khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng và có đặc điểm là nửa bên thân bị ửng đỏ và bên còn lại tái nhợt, với đường phân giới dọc theo đường giữa. Thời lượng từ giây đến 20 phút. Tổn thương biến mất khi trẻ tăng hoạt động cơ hoặc khóc. Điều này xảy ra đến khoảng 10% trẻ sơ sinh và hoàn toàn lành tính. Căn nguyên của điều này vẫn chưa được biết.

Slate-Greay Macules (trước đây gọi là “bớt” của người Mông Cổ)

Các tổn thương sắc tố thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, những tổn thương này rất phổ biến ở trẻ sơ sinh châu Á, Mỹ gốc Phi và Tây Ban Nha, trong khi chúng rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh da trắng. Chúng được đặc trưng bởi các dát sắc tố xám xanh bẩm sinh với đường viền không xác định. Đường kính có thể từ 10cm trở lên và tổn thương thường thấy nhất ở vùng xương cùng – mông hoặc ở vai.Đây là những tổn thương hoàn toàn lành tính và thường mờ dần trong năm đầu tiên hoặc năm thứ hai của cuộc đời.

Hội chứng em bé màu đồng (Bronze baby syndrome)

Sự đổi màu lan tỏa của da sang màu nâu xám có thể phát triển ở trẻ sơ sinh 1-7 ngày sau khi bắt đầu điều trị bằng đèn chiếu để điều trị vàng da tăng bilirubin trong máu. Tình trạng bệnh dần dần khỏi mà không có di chứng trong vài tuần sau khi ngưng điều trị.

Viêm da tiết bã (Seborrheic dermatitis)

Phát ban rất phổ biến có đặc điểm là ban đỏ và vảy nhờn, thường xuất hiện trên da đầu “nắp nôi”, nhưng cũng có thể xuất hiện trên mặt, tai, cổ và vùng quấn tã. Ở trẻ sơ sinh, tình trạng này thường tự khỏi trong vòng vài tuần đến vài tháng. Điều trị có thể bao gồm thuốc chống nấm tại chỗ, corticosteroid và selen sulfide. Điều trị thường bắt đầu bằng việc gội đầu thường xuyên và loại bỏ bảy bằng bàn chải mềm, cũng như thoa chất làm mềm (ví dụ như dầu khoáng) để làm bong vảy. Nếu tình trạng viêm da vẫn tiếp diễn, liệu pháp có thể được năng lên thành corticosteroid tại chỗ, thuốc kháng nấm, thuốc tiêu sừng hoặc thuốc chống tăng sinh.

Nevus bã nhờn Jadassohn (Nevus sebaceous of Jadassohn)

Đây là một tổn thương bẩm sinh, xuất hiện chủ yếu trên da đầu và mặt. Nó thường xuất hiện khi mới sinh, nhưng có thể xuất hiện muộn hơn. Tổn thương thường là một mảng sáp đơn độc, được bao quanh, hình bầu dục hoặc tuyến tính, có màu vàng đến rám nắng. Kích thước có thể từ vài mm đến vài cm. Các tổn thương sẽ tăng kích thước tương xứng với sự lớn lên của trẻ. Các khối u thứ phát, cả lành tính và ác tính, đều có thể xảy ra trong các tổn thương này, mặc dù sự phát triển của chúng rất hiếm gặp. Điều trị được lựa chọn là phẫu thuật cắt bỏ vì có khả năng phát triển khối u thứ phát trong tổn thương. Tuy nhiên, vì nguy cơ thấp, một số khuyến cáo nên theo dõi tổn thương trên lâm sàng.

Kết luận

Da trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương do phải thích nghi với môi trường bên ngoài để dần phát triển và trưởng thành. May mắn là hầu hết sang thương da ở trẻ là lành tính, sẽ khỏi và không để lại di chứng nếu được nhận diện và chăm sóc đúng cách.

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2022,
Chủ đề: Các bệnh lý về da & chăm sóc sắc đẹp
(xem toàn bộ bản tin:  Tại đây)

Tài liệu tham khảo

1/ https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0733863505702448

2/ https://pedclerk.bsd.uchicago.edu/page/neonatal-and-infantile-common-skin-lesions