Đột quỵ: những vấn đề cần biết

BS. CKII Nguyễn Trường Chinh
Trưởng khoa Hồi sức tích cực (ICU), Bệnh viện Đa Khoa Hồng Hưng, Tây Ninh
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ ba (sau tim mạch và ung thư) và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam. 
Theo thống kê từ một nghiên cứu bệnh chứng ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khoảng thời gian 8 năm (2007 – 2015), ghi nhận 13.447 trường hợp mắc đột quỵ với 10.388 đột quỵ do nhồi máu não và 3.059 trường hợp đột quỵ do chảy máu não. Theo một báo cáo năm 2016, đột quỵ là nguyên nhân đứng hàng thứ nhất trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, chiếm 15,5%. Một phần năm trường hợp tử vong do bệnh tật có liên quan đến đột quỵ.  
Đột quỵ xảy ra là một cú sốc rất lớn, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bệnh nhân và gia đình, tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ, cách phòng ngừa và xử lý một số tình huống liên quan đến đột quỵ là rất cần thiết.

Đột quỵ là gì? 

Đột quỵ xảy ra khi sự cung cấp máu cho các tế bào não bị thiếu hụt một cách đột ngột, dẫn đến tổn thương các tế bào não. Hậu quả là các chức năng của cơ thể được điều khiển bởi phần não đó sẽ không thể hoạt động một cách bình thường. Vùng tổn thương trên não càng lớn, cơ thể bị mất chức năng càng nhiều. Tế bào não chết đi sẽ không có tế bào não mới thay thế (do tế bào não không có khả năng phân chia thành tế bào mới).

Các dạng đột quỵ?

Theo cơ chế gây bệnh, đột quỵ chia thành hai nhóm gồm đột quỵ nhồi máu não (xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn) và đột quỵ xuất huyết não (vỡ mạch máu bên trong não). 

Yếu tố nguy cơ của đột quỵ?

  • Lớn tuổi,
  • Nam giới,
  • Hút thuốc lá,
  • Nghiện rượu,
  • Tăng huyết áp,
  • Bệnh tim, loạn nhịp tim,
  • Rối loạn mỡ máu,
  • Đái tháo đường,
  • Tiền sử đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua.

Triệu chứng của đột quỵ?

Khi máu cung cấp cho phần não bị ngưng đột ngột, phần cơ thể được điều khiển bởi phần não đó sẽ không hoạt động bình thường, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng của đột quỵ. Người bệnh có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau (BEFAST hoặc FAST):
  • Mất thăng bằng, loạng choạng, đi lại khó khăn, đau đầu dữ dội,
  • Nhìn mờ, mất thị lực,
  • Méo miệng, sụp mi,
  • Tay, chân ở một bên cơ thể bị tê, yếu,
  • Nói khó, không nói được,
  • Lú lẫn,
  • Lơ mơ hoặc hôn mê.

Chú ý:

Ở một số người, triệu chứng đột quỵ có thể xảy ra trong thời gian ngắn (vài phút đến một ngày) rồi biến mất hoàn toàn, trong y khoa gọi là “Cơn thiếu máu não thoáng qua – TIA”. Cơn TIA có triệu chứng tương tự đột quỵ thiếu máu não nhưng thời gian tồn tại của triệu chứng kéo dài dưới 24 giờ, thông thường dưới 60 phút và không có bằng chứng tổn thương trên hình ảnh học. Tình trạng này là do sự cung cấp máu của động mạch nuôi não bị tắc nghẽn tạm thời. Tuy nhiên, đối với người bệnh đây là dấu hiệu cảnh báo quan trọng, dự báo đột quỵ thật sự sẽ xảy ra trong những giờ hoặc những ngày sau đó (trong vòng 90 ngày, nếu như người bệnh không được truy tìm nguyên nhân và không được điều trị dự phòng đúng cách).

Đột quỵ có thể điều trị không?

Điều trị nội khoa: Không có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi đột quỵ hay giúp phục hồi những tế bào não đã chết.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ và đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nhất là các bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ, sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phục hồi sớm cho người bệnh, hạn chế di chứng tàn phế và tử vong. Người bệnh đến sớm trong “giờ vàng”, trong vòng 4,5 giờ khi phát hiện triệu chứng khởi phát đầu tiên của đột quỵ, có thể được sử dụng thuốc làm tan cục máu đông (thuốc tiêu sợi huyết) làm tắc động mạch cung cấp máu cho não, giúp cứu sống những tế bào não đang tổn thương và cải thiện triệu chứng.
Thuốc bảo vệ tế bào thần kinh (dân gian gọi là thuốc bổ não): Thuốc tác động trực tiếp đến nhu mô não, làm chậm tiến trình đột quỵ thiếu máu não và cứu lấy tế bào não ở vùng tranh tối – tranh sáng dù không có tác dụng tái tưới máu nhu mô não. Các nghiên cứu cho thấy thuốc bảo vệ tế bào thần kinh (Cytoflavin, Cerebrolysin, Vinpocetin, Citicolin, Choline alphoscerate…) an toàn và có thể có lợi đối với người bệnh đột quỵ thiếu máu não cấp hoặc xuất huyết não.

Điều trị bằng phẫu thuật

  • Người bệnh nhồi máu não do hẹp động mạch cảnh ngoài sọ (đoạn cổ), có thể làm phẫu thuật bóc lớp nội mạc động mạch cảnh hoặc đặt stent động mạch cảnh (khung đỡ mạch máu không bị xẹp).
  • Người bệnh nhồi máu não do tắc các mạch máu lớn trong sọ, trong não, có thể được xem xét lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, dụng cụ sẽ được đi từ động mạch đùi lên động mạch não để hút lấy huyết khối và làm thông dòng chảy động mạch não bị tắc, giúp phục hồi các tế bào não đang bị tổn thương, cải thiện triệu chứng đột quỵ.
Xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não, vỡ túi phình mạch não, có thể dùng dụng cụ để bít mạch máu đang chảy hoặc làm đầy túi phình mạch bằng các dụng cụ chuyên biệt (Coil). Bên cạnh đó, phẫu thuật bằng Robot với trí thông minh nhân tạo (AI), phẫu thuật bằng tia gamma, mở ra nhiều triển vọng trong tương lai.

Điều trị bằng y học cổ truyền

Hiện nay, chưa có bằng chứng điều trị hiệu quả đột quỵ cấp bằng phương pháp y học cổ truyền. Do đó, sau giai đoạn can thiệp cấp tại bệnh viện (điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật), cần đánh giá lại người bệnh và phối hợp thêm phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp, vật lý trị liệu…).
Tất cả người bệnh đột quỵ nên được điều trị phục hồi chức năng càng sớm càng tốt khi sẵn sàng về mặt y tế và có thể tham gia vào các hoạt động phục hồi chức năng.

Đột quỵ có thể phòng ngừa không?

Cho đến hiện nay vẫn không có phương pháp điều trị nào giúp phục hồi những tổn thương não do đột quỵ nếu như người bệnh không được tái thông mạch máu sớm. Do đó, phòng ngừa đột quỵ là vấn đề quan trọng nhất (căn cơ).
 Để giảm nguy cơ đột quỵ, chúng ta cần: 
  • Ngưng hút thuốc lá,
  • Hạn chế uống rượu, bia, các chất gây say,
  • Kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu,
  • Tránh thừa cân, béo phì,
  • Vận động, tập thể dục. Đi bộ nhanh hoặc chạy bộ, 3 – 4 buổi/tuần, mỗi buổi ít nhất 30 phút,
  • Chế độ ăn hợp lý, đa dạng nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ (gạo, ngũ cốc, trái cây, rau tươi, các loại đậu…), hạn chế ăn thức ăn chiên, xào, mỡ, nội tạng động vật… hạn chế muối trong ngày (khoảng 2g/ngày),
  • Điều trị những bất thường về tim: bệnh van tim, suy tim, rung nhĩ…
  • Khám ngay khi có “cơn thiếu máu não thoáng qua”,
  • Đối với người đã bị đột quỵ phải tuân thủ chế độ như trên, uống thuốc theo toa, tái khám đúng hạn, định kì dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

Kết luận

Đột quỵ là một vấn đề toàn cầu và là thách thức lớn của ngành Y tế. Phòng ngừa đột quỵ luôn tốt hơn là điều trị đột quỵ.
Thời gian là vàng: nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ và đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt, tranh thủ “thời gian vàng” (trong vòng 4,5 giờ từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ). Người bệnh có thể được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết giúp cứu sống những tế bào não đang bị tổn thương và cải thiện triệu chứng.
Khả năng hồi phục của người bệnh sau đột quỵ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ, vị trí tổn thương trong não, các giải pháp điều trị và khả năng đáp ứng với quá trình luyện tập, phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Tài liệu tham khảo

1. Khuyến cáo điều trị. Đột quỵ và Cơn thiếu máu não thoáng qua 2023. Hội Đột quỵ Tp.HCM.
2. Hoàng Văn Sỹ. Điều trị kháng đông trong thực hành lâm sàng. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2020.
3. Nguyễn Huy Thắng. Những vấn đề cần biết sau đột quỵ. Nhà xuất bản Y học Hà Nội, 2019. 
4. Carr C, Kahn L, Mathkour M, et al. The shifting burden of neurosurgical disease: Vietnam and the middle-income nations. Neurosurg Focus. 2028; 45(4): E1
 
Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 4 – năm 2023,
Chủ đề: BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM: Tiếp cận toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)