Hẹp bao quy đầu ở trẻ em

Bs.CKI Nguyễn Tiến Hưởng

Phó khoa Ngoại Tổng quát – Tiết niệu – Ung bướu

Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Hẹp bao quy đầu là một trong những vấn đề gây nhiều lo lắng cho các bậc cha mẹ khi các bé trai có các triệu chứng bất thường khi đi tiểu, hoặc viêm đỏ, ngứa, chảy mủ… ở bộ phận sinh dục. Tình trạng này cần được xử trí sớm và đúng đắn để tránh gây ra nhiều biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

Một số đặc điểm của bao quy đầu:

Bao quy đầu là phần da bao phủ phía bên ngoài quy đầu. Bao quy đầu hình thành từ giai đoạn phôi thai, bao gồm phần da bên ngoài, phần niêm mạc bên trong và một dải ngang nối giữa 2 phần này. Phần niêm mạc và quy đầu lúc đầu dính nhau và bắt đầu tách rời từ khoảng tuần thứ 24 của thai kỳ, quá trình này vẫn tiếp diễn sau sau sinh, nhờ sự phát triển của dương vật, sự tích tụ của chất bợn sinh dục (smegma) và sự cương của dương vật.

Bao quy đầu không đơn giản là một phần da thừa gây nhiều phiền toái, mà còn có nhiều chức năng: bảo vệ quy đầu, ngăn ngừa tổn thương do quy đầu bị cọ xát, là nguồn cung cấp mô trong phẫu thuật tạo hình niệu đạo…

Tình trạng bao quy đầu không kéo xuống được là tình trạng rất thường gặp, có thể tới 90% ở trẻ em. Theo Gairdner, tỉ lệ này chiếm tới 96% ở trẻ nhũ nhi, 6% ở trẻ từ 5 – 13 tuổi. Do vậy, một trẻ được chẩn đoán là “hẹp bao quy đầu” có thể tự khỏi khi trẻ lớn.  Vậy khi nào thì bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khắc phục tình trạng hẹp bao quy đầu?

Bao quy đầu thường có các tình trạng sau:

  • Quy đầu lúc nào cũng lộ ra ngoài: Bao quy đầu tự tuột xuống khỏi quy đầu khi cương và tự trùm lại quy đầu khi xìu.
  • Bao quy đầu vẫn phủ lên quy đầu khi cương, phải dùng tay kéo nhẹ mới lộ hoàn toàn quy đầu. Đây là trường hợp bao quy đầu dài.
  • Khi cương, bao quy đầu tự tuột hoặc dùng tay kéo xuống được, nhưng cảm giác bị thắt nhẹ, hoặc đau nhẹ và khi xìu bao không tự trùm lại quy đầu mà kẹt lại ở phía trên rãnh quy đầu. Đây là trường hợp bao quy đầu hẹp nhẹ, dễ gây nên tình trạng thắt nghẹt quy đầu.
  • Bao quy đầu không thể kéo lên qua khỏi quy đầu.

Phân loại bao quy đầu theo tác giả Kayaba, chia làm 5 type:

  • Type 1: Bao quy đầu hoàn toàn không tuột lên được
  • Type 2: Bao quy đầu tuột lên được đến mức chỉ đủ để lộ tiểu
  • Type 3: Bao quy đầu tuột lên để lộ nửa quy đầu
  • Type 4: Bao quy đầu tuột lên đến vành quy đầu
  • Type 5: Bao quy đầu tuột lên để lộ hoàn toàn quy đầu

Chẩn đoán hẹp bao quy đầu

Nguyên nhân gây hẹp bao quy đầu:

Hẹp bao quy đầu sinh lý thường gặp ở hầu hết bé trai, và thường sẽ hết khi trẻ lớn dần. Tuy nhiên, nếu cố kéo bao quy đầu mạnh bạo sẽ có thể gây ra các vết rách nhỏ, chảy máu, nhiễm khuẩn, cũng như tình trạng vệ sinh kém, viêm quy đầu, da quy đầu tái diễn… sẽ hình thành sẹo xơ và gây ra tình trạng hẹp bao quy đầu thật sự.

Chẩn đoán hẹp bao quy đầu đôi khi vẫn có sự lúng túng và nhầm lẫn giữa các tình trạng bao quy đầu chưa tách hết (còn dính với quy đầu ở trẻ nhũ nhi), bao quy đầu dài hoặc chưa dãn ra đủ để tự tuột khỏi quy đầu (hẹp bao quy đầu sinh lý, chưa cần can thiệp ngoại khoa, thường gặp ở trẻ chưa dậy thì).

Hẹp bao quy đầu bệnh lý là bao quy đầu không thể tuột qua quy đầu do lỗ bao quy đầu là một vòng xơ, cứng, không thể dãn để quy đầu tự tuột qua. Trường hợp này cần phải xử trí bằng can thiệp ngoại khoa.

Một số dấu hiệu gợi ý cần đưa trẻ đi khám:

Trẻ có biểu hiện tiểu lắt nhắt, nhiều lần, mỗi lần chỉ đi tiểu được ít nước tiểu, hoặc đau, khóc khi đi tiểu, thậm chí đau không dám đi tiểu, hoặc gãi, bóp vào bao quy đầu (do ngứa, khó chịu), hoặc phồng lên khi đi tiểu, hoặc thấy bao quy đầu của trẻ phù nề, viêm đỏ, ứ đọng các chất bợn trắng dưới da. Ở trẻ lớn hơn, do mắc cỡ, sẽ khó quan sát được tình trạng bao quy đầu, nên khi trẻ có bất thường về triệu chứng đi tiểu, bố mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám sớm để tránh các biến chứng của hẹp bao quy đầu.

Các biến chứng của hẹp bao quy đầu:

  • Nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại, viêm niệu đạo, viêm mào tinh – tinh hoàn…
  • Viêm dính quy đầu, bao quy đầu: bao quy đầu viêm dính chặt vào quy đầu, sẽ khó khăn khi làm phẫu thuật cắt bao quy đầu, đau và chảy máu sau cắt.
  • Thắt nghẽn quy đầu có thể dẫn đến tình trạng hoại tử quy đầu.
  • Viêm quy đầu xơ teo (BXO), hẹp miệng sáo.
  • Ung thư dương vật: khi tình trạng viêm nhiễm kéo dài, tái đi tái lại hoặc nhiễm các loại siêu vi. Hiện chưa rõ về liên quan này, nhưng nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ung thư dương vật ở người Do Thái rất thấp, người Do Thái có tập quán cắt da quy đầu từ bé.

Cách xử trí

Tại bệnh viện, các bác sỹ sẽ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết và tư vấn cho bố mẹ trước khi điều trị.

Nếu tình trạng hẹp bao quy đầu nhẹ, trẻ còn tiểu được, có thể kéo bao quy đầu nhẹ nhàng bằng tay và dùng các loại thuốc thoa steroid tại chỗ giúp bao quy đầu dễ co dãn và tuột hơn.

Nếu tình trạng hẹp bao quy đầu nhiều, trẻ không tiểu được, có thể cần phải nong nhẹ bao quy đầu với gây tê tại chỗ, giúp trẻ tiểu được, sau đó nong nhẹ nhàng bằng tay hàng ngày và kết hợp kem thoa.

Khi tình trạng hẹp bao quy đầu bệnh lý, cần can thiệp bằng phẫu thuật. Các trẻ sẽ được vô cảm phù hợp để không thấy đau trong quá trình phẫu thuật. Nếu trẻ lớn, hợp tác tốt, sẽ được gây tê hoặc nếu trẻ nhỏ, hợp tác kém sẽ được gây mê. Tuỳ theo tình trạng bao quy đầu, có thể phẫu thuật cắt xẻ vòng thắt hoặc cắt bao quy đầu (cắt tay, khâu chỉ tự tiêu hay cắt bằng máy cắt khâu tự động). Sau cắt, bố mẹ và trẻ sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ hàng ngày và dặn dò tái khám cho đến khi vết mổ lành hẳn.

Như vậy, hẹp bao quy đầu ở trẻ là một vấn đề thường gặp ở các bé trai, với các triệu chứng đa dạng. Việc nhận biết và xử trí kịp thời, đúng đắn tình trạng này sẽ giúp tránh nhiều biến chứng cho trẻ.

Tài liệu tham khảo

  1. Bệnh học ngoại khoa Tiết niệu – Nhi NXB Hà Nội – 2021
  2. Nam khoa lâm sàng – NXB Tổng Hợp Tp. HCM – TS. Nguyễn Thành Như- 2013
  3. ISRN Urology 2012 – 707329 – Dr. Sukhbir Kaur Shahid – 2012

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 2 – năm 2023,
Chủ đề: CHĂM CON KHỎE: Bắt đầu từ bụng mẹ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)