Nhận biết trẻ tự kỷ và cách phòng tránh

BS. Trần Thị Thảo Như

Bác sĩ Khoa Nhi – Đơn nguyên sơ sinh

Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, Tây Ninh

Bệnh tự kỷ ở trẻ em hiện nay là một trong những bệnh tâm lý dễ mắc và không còn xa lạ với các bậc phụ huynh. Tìm hiểu chi tiết hơn về chứng bệnh này sẽ giúp các bậc phụ huynh phát hiện sớm các dấu hiệu về bệnh để điều trị kịp thời cho trẻ, ngăn ngừa những tác động đến cuộc sống và sự phát triển tương lai của trẻ.

Tự kỷ là bệnh gì?

Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển về nhiều mặt, song chủ yếu là rối loạn về kỹ năng quan hệ xã hội, giao tiếp bằng lời nói và hành vi bất thường. Rối loạn phát triển xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là trước 3 tuổi. Người mắc chứng tự kỷ không có giao tiếp, tương tác xã hội với những người khác, do vậy, sự phát triển mọi mặt về tâm lý và xã hội đều bị hạn chế. Ngày nay, số trẻ em mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng lên (cứ 1.000 trẻ thì có 2 – 5 trẻ bị tự kỷ). Tỉ lệ mắc bệnh trên toàn cầu là 1/150, tỉ lệ nam/nữ là 3:1.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh tự kỷ ở trẻ em:
Cho đến nay, nguyên nhân của chứng tự kỷ ở trẻ em chưa được biết một cách chính xác. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy có nhiều yếu tố góp phần vào việc hình thành chứng tự kỷ ở trẻ bao gồm:
  • Di truyền: khoảng 80% rối loạn phổ tự kỷ xuất hiện do thừa hưởng gien di truyền;
  • Phối hợp với một số bệnh lý (hội chứng X mỏng giòn, Rubella bẩm sinh…);
  • Những rối loạn khác đi kèm: chậm phát triển trí tuệ (50%), động kinh (30%), chứng tăng động kém tập trung;
  • Yếu tố môi trường được ghi nhận: Thời kỳ mang thai, mẹ thường xuyên tiếp xúc với nhiều chất độc hại như thuốc lá, rượu bia, ma túy… làm tăng nguy cơ trẻ tự kỷ sau khi sinh ra. Trẻ tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại, sự ô nhiễm môi trường, gia đình bỏ mặc, ít dạy dỗ quan tâm yêu thương… cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ.

Nhận biết trẻ tự kỷ

Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, có các khiếm khuyết hành vi đặc trưng trong 3 lĩnh vực:
  • Tương tác xã hội,
  • Giao tiếp bằng lời và không lời,
  • Hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại.
Những biểu hiện bất thường về hành vi ở trẻ có thể kể đến như là: ít cười, ít biểu lộ cảm xúc tình cảm với cha mẹ, thích chơi một mình, kém tương tác với những người xung quanh, mối quan tâm bị thu hẹp, hành vi rập khuôn… đặc biệt là có kèm theo tình trạng thoái lui ngôn ngữ nghiêm trọng (trẻ quá chậm nói so với tuổi hoặc trẻ bị mất hẳn kĩ năng ngôn ngữ). Đây được xem là những dấu hiệu cảnh báo sớm giúp cha mẹ và thầy cô giáo nhận diện có khả năng trẻ bị mắc chứng tự kỷ, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 18 tháng – 24 tháng tuổi.

Các dấu hiệu báo động tự kỷ ở trẻ trước 24 tháng

  • Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi;
  • Không có cử chỉ biểu lộ sự quan tâm xung quanh khi 12 tháng tuổi: chỉ ngón tay, vẫy tay mừng khi gặp người thân, bắt tay, tiếp xúc mắt, cười đáp với người quen…
  • Không nói được dù chỉ là 1 từ đơn khi 16 tháng;
  • Không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng;
  • Mất kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Cách phòng tránh

  • Khám thai thường quy có thể phát hiện sớm các bệnh lý của bà mẹ và tình trạng bất thường của thai gây tổn thương não của trẻ.
  • Nâng cao chất lượng cấp cứu trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế xã, huyện, tỉnh là biện pháp tích cực nhất nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ tổn thương não.
  • Khám trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có nguy cơ cao, thường quy hàng quý trong 24 tháng đầu đời có thể phát hiện sớm các rối loạn phát triển, trong đó có tự kỷ.

Hỗ trợ hòa nhập

Một số tình huống hành vi của trẻ bị tự kỷ và hướng dẫn cách hỗ trợ giúp trẻ hòa nhập lại với sinh hoạt hàng ngày:
Thích một mình: Trẻ thường chỉ muốn có không gian riêng của mình, bó hẹp phạm vi tiếp xúc với người khác, không muốn giao lưu.

Nên làm:

  • Sử dụng tên của con bạn để chúng biết bạn đang nói chuyện với chúng;
  • Nói chuyện đơn giản và dễ hiểu;
  • Nói chậm rãi và rõ ràng;
  • Sử dụng cử chỉ đơn giản, giao tiếp bằng mắt và hình ảnh hoặc biểu tượng để hỗ trợ những gì bạn đang nói;
  • Cho phép thêm thời gian để con bạn hiểu những gì bạn đã nói.

Không nên:

  • Đừng hỏi con bạn nhiều câu hỏi cùng lúc;
  • Cố gắng không trò chuyện ở nơi ồn ào hoặc đông đúc;
  • Cố gắng không nói những điều, từ ngữ có nhiều nghĩa.

Hay bị lo sợ, lo lắng, sợ hãi quá mức

  • Cố gắng tìm hiểu lý do làm con bạn cảm thấy lo lắng;
  • Giúp con chuẩn bị đối phó với bất kỳ thay đổi nào, chẳng hạn như thay đổi lớp học ở trường;
  • Giúp trẻ  xác định và quản lý cảm xúc;
  • Trẻ cần một nơi tương đối yên tĩnh.

Khó khăn trong ăn uống

  • Tập ăn thức ăn đa dạng;
  • Ăn vừa phải, không quá nhiều, không quá ít;
  • Chữa ho hoặc nghẹn trong khi ăn;
  • Chữa táo bón.

Khó ngủ: Bạn có thể giúp con mình bằng cách:

  • Ghi nhật ký giấc ngủ về cách con bạn ngủ để giúp bạn nhận thấy bất kỳ vấn đề nào về giấc ngủ;
  • Theo cùng một thói quen đi ngủ;
  • Đảm bảo rằng phòng ngủ của trẻ tối và yên tĩnh;
  • Cho phép trẻ đeo nút bịt tai nếu cần.

Sống khỏe mạnh: Điều quan trọng là con bạn phải được kiểm tra thường xuyên với:

  • Nha sĩ,
  • Bác sĩ nhãn khoa,
  • Bác sĩ điều trị bất kỳ tình trạng nào khác mà con bạn mắc phải,
  • Trẻ em trên 14 tuổi bị khuyết tật học tập nên được kiểm tra sức khỏe hàng năm.

Chống lại sự thay đổi:

Trẻ tự kỷ thường khó chịu trước những thay đổi trong môi trường sống quen thuộc của chúng. Một sự thay đổi nhỏ trong thông lệ thường ngày có thể làm trẻ nổi giận.

Nên làm:

  • Xoa dịu trẻ, cho trẻ không gian thoải mái, vui chơi cùng trẻ;
  • Huấn luyện nâng cao khả năng tự tin, quyết đoán, thích ứng với sự thay đổi môi trường sống.

Không nên:

  • Đừng tạo áp lực cho con bạn – học các kỹ năng xã hội cần có thời gian;
  • Đừng ép con bạn tham gia các tình huống xã hội nếu chúng thấy ổn khi ở một mình.
Trao đổi với bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần trẻ em có kinh nghiệm về bệnh tự kỷ – nếu cần.

Kết luận

Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước. Để chuẩn bị hành trình phát triển cùng con, ba mẹ nên khám thai định kỳ và cùng theo dõi sự phát triển về tinh thần và thể chất trong 24 tháng đầu đời của trẻ. Hãy cho trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, đáng tin cậy ngay khi có dấu hiệu bất thường về tâm thần vận động của trẻ.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thanh Hùng (2020). Phác đồ điều trị nhi khoa, Nhà xuất bản y học, Hà Nội.
2. Bệnh viện Nhi Đồng 1, 15/9/2020, Phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ, https://nhidong.org.vn/cau-lac-bo-ba-me/phat-hien-som-roi-loan-pho-tu-ky-o-tre-nho-c55-1494.aspx. 12/5/2023.
3. World Health Organization, 29/03/2023, Autism, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/autism-spectrum-disorders, 12/5/2023.

PHỤ LỤC

Bảng kiểm M-CHAT (Modified-Checklist for Autism in Toddlers)
 
Việc tầm soát tự kỷ dựa vào công cụ với 23 câu hỏi then chốt có thể giúp phụ huynh phát hiện dấu hiệu sớm ở trẻ nhỏ từ 18 tháng tuổi. Qua đó, phụ huynh có thể tự đánh giá xem trẻ nhà mình có khả năng bị “Rối loạn phổ tự kỷ” hay không. Nếu có, có thể sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế khám chữa bệnh tâm lý để trẻ được can thiệp trị liệu kịp thời. 
Phụ huynh khi sử dụng 23 câu hỏi này đánh giá để phát hiện sớm trẻ tự kỷ lứa tuổi 18-24 tháng cần lưu ý rằng kết quả nguy cơ cao khi trẻ có ít nhất ba câu trả lời bất kỳ hoặc hai câu then chốt (nằm trong các câu số 2, 7, 9, 13, 14, 15) là “không”. Tuy nhiên, với các câu 11, 18, 20, 22 thì câu trả lời “có” lại ám chỉ nguy cơ trẻ bị tự kỷ.
 
Những câu hỏi nhận diện như sau:

Bài viết thuộc Bản tin Y tế Hồng Hưng | Số 2 – năm 2023,
Chủ đề: CHĂM CON KHỎE: Bắt đầu từ bụng mẹ
(Xem toàn bộ bản tin: Tại đây)