Bạn hỏi – Bác sĩ trả lời | Chủ đề: Những bệnh thường gặp vào giai đoạn cuối năm & lưu ý trong việc tiêm ngừa cho trẻ

BVĐK Hồng Hưng xin gửi đến Quý bà con phần phản hồi cụ thể cho những câu hỏi nổi bật từ Chương trình Tư vấn Online số đầu tiên đã được phát trực tiếp trên Fanpage Hồng Hưng Hospital ngày 29/12/2021 vừa qua trong từng ảnh bên dưới nhé ạ.
Tất cả nội dung phản hồi đã được Bệnh viện tóm tắt ngắn gọn, chi tiết và dễ hiểu để các mẹ có thể tiện theo dõi và lưu lại để áp dụng ngay cho con em mình.
Câu hỏi từ bạn Cỏ Ngọc: “Vào thời điểm cuối năm này bé hay mắc bệnh gì vậy ạ? Cần cẩn trọng gì cho bé và có bệnh nào có thể tiêm ngừa đề phòng trước cho bé không ạ?”
Ths. Bs. Nguyễn Thanh Phước trả lời:
Chào bạn Cỏ Ngọc, các bệnh thường gặp ở trẻ trong thời điểm cuối năm do thời tiết lạnh và khô:
1/ Bệnh viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt nhất đó là nhiễm Covid-19
2/ Bệnh sốt xuất huyết.
3/ Bệnh lây nhiễm khác: MMR (sởi – quai bị – rubella), thủy đậu, tiêu chảy cấp,… có thể lây từ bé này sang bé khác trong sinh hoạt, chơi đùa hoặc học tập chung.
4/ Các mẹ cũng nên lưu ý tai nạn trong học tập và sinh hoạt do trẻ hiếu động như điện giật, bỏng, chấn thương,… hay ngộ độc thức ăn, uống nhầm hóa chất,… (hoặc có bé tự tử do áp lực học tập,…).

Vậy phụ huynh cần quan tâm hơn đến trẻ & lưu ý:
1/ Tránh lây nhiễm (hô hấp, tiếp xúc): luôn thực hiện đúng 5K cho bé để bảo vệ đường hô hấp. Nếu chẳng may bị nhiễm Covid nên đưa bé đến trạm y tế để khai báo & điều trị.
2/ Các bé học online dễ bị muỗi đốt nên tốt nhất phụ huynh cần phòng muỗi đốt cho bé, nhằm tránh bệnh sốt xuất huyết do muỗi gây ra.
3/ Đưa bé đến trung tâm tiêm chủng để được tiêm ngừa các bệnh có vaccin phòng tránh.
4/ Đưa bé đến BV thăm khám, tư vấn với BS chuyên khoa nếu gặp các vấn đề về sức khỏe.
5/ Ngoài ra, phụ huynh cũng nên quan tâm đến tinh thần của trẻ và đề phòng các tai nạn trong học tập, sinh hoạt khác.

Câu hỏi từ bạn Hà Thái: “Yếu tố nguy cơ bệnh Covid-19 nặng ở trẻ em là gì ạ? Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi & điều trị tại nhà khi bé chẳng may bị nhiễm Covid-19”

Ths.Bs Nguyễn Thanh Phước trả lời:

Chào bạn Hà Thái, may mắn là trẻ em khi mắc phải Covid-19 thì nhẹ hơn người lớn. Bé thường không có triệu chứng gì hoặc chỉ như cảm nhẹ rồi hết hoặc sốt nhưng không đáng kể. Tuy nhên quý phụ huynh không nên chủ quan.
Yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng ở trẻ:

  • Trẻ đẻ non, cân nặng thấp.
  • Bé béo phì, thừa cân.
  • Bé có bệnh lý mãn tính: đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá.
  • Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản.
  • Bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh thần kinh.

Điều trị nhiễm Covid-19 tại nhà cho bé từ 3 tháng tuổi trở lên:

  1. Tránh lây nhiễm thêm và nhiễm chéo, phải có không gian riêng cho bé.
  2. Thường xuyên vệ sinh răng miệng, sát khuẩn tay, vệ sinh môi trường xung quanh.
  3. Điều trị triệu chứng: liên hệ bác sĩ cho thuốc & hướng dẫn điều trị khi bé sốt, khò khè, khó thở, …
  4. Dấu hiệu bé ổn định có thể theo dõi tại nhà:
    – Không có triệu chứng lâm sàng hoặc:
    – Triệu chứng không điển hình: sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/ vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi.
    – Nhịp thở bình thường.
    – Không có biểu hiện của thiếu oxy, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời.
    – Thần kinh: trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, bú mẹ, ăn uống bình thường.
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi.
Câu hỏi từ bạn Roxy Luu: “Bé từ 0-12 tháng cần tiêm những loại vaccin gì & lịch tiêm ngừa như thế nào ạ?”
BS Nguyễn Thị Hồng Loan trả lời:
Chào bạn Roxy Luu,

Ở mỗi độ tuổi lịch tiêm ngừa có khác nhau:
Đối với trẻ sơ sinh:
– Vaccin ngừa Viêm gan B: được tiêm cho trẻ trong vòng 24h đầu sau sinh để phòng ngừa virus Viêm gan B. Trường hợp mẹ bị bệnh Viêm gan B thì con được tiêm vaccine và huyết thanh ngừa Viêm gan B.
– Trước khi tròn 1 tháng tuổi con cần tiêm ngừa BCG để phòng ngừa lao sơ nhiễm và các thể lao nặng khác.

Trẻ từ 2 đến 4 tháng:
– Cần tiêm vaccin 6 in 1: ngừa 6 bệnh (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt – Hib – Viêm gan B với 3 liều cơ bản cách nhau 1 tháng.
– Giai đoạn này trẻ uống vaccin Rota (2 hoặc 3 liều cách nhau 1 tháng tùy theo hãng sản xuất).
– Ngoài ra trẻ cần tiêm ngừa vaccin phế câu ngừa Viêm phổi – Viêm màng não -Viêm tai giữa do phế cầu) với 3 liều cơ bản cách nhau 1 tháng

Trẻ 6-9 tháng tuổi:
– Cần tiêm vaccin ngừa cúm với 2 liều cách nhau 1 tháng.
– Giai đoạn này cũng cần tiêm ngừa não mô cầu BC: 2 liều cách nhau 6-8 tuần (thông thường cách nhau 2 tháng).
– Trẻ 9 tháng cần tiêm mũi 1 Sởi đơn

Trẻ 9-12 tháng:
– Tiêm muỗi 1 vaccin Viêm não Nhật Bản
– Vaccin Não mô cầu 4 tuýp
– Vaccin Thủy đậu
– Tiêm mũi nhắc vaccin phế cầu
 
Câu hỏi từ bạn Quế Loan: “Trước khi đưa bé đi tiêm có cần chuẩn bị gì không ạ?”
BS Nguyễn Thị Hồng Loan trả lời:

Chào bạn Quế Loan,

  • Trước khi đi tiêm, bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để thông báo cho bác sĩ trong quá trình khám sàng lọc.
    Cần mang theo đầy đủ sổ / phiếu tiêm chủng và thông báo tình trạng sức khỏe của bé, thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng, phản ứng nặng ở lần tiêm trước .
  • Tại phòng khám sàng lọc bác sĩ khám, sàng lọc, đánh giá toàn diện thể trạng của trẻ. Căn cứ vào kết quả khám và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ phối hợp với ba mẹ để đưa ra mũi tiêm phù hợp và hẹn mũi tiêm tiếp theo.
  • Bố mẹ nên tuân thủ lịch tiêm chủng theo lứa tuổi đã được Bộ Y Tế và các chuyên gia khuyến cáo. Việc tiêm chủng đúng thời điểm sẽ giúp tạo miễn dịch hiệu quả cho trẻ, tránh trường hợp mắc bệnh có thể xảy ra nếu chưa kịp tiêm chủng.
Đối với các bé sơ sinh được sinh tại BV Hồng Hưng, các mẹ đều sẽ được tặng 1 quyển “Nhật ký thiên thần”, trong đó đầy đủ thông tin về sự phát triển của trẻ cũng như các mũi tiêm theo từng mốc thời gian mà các mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm. Hoặc các bé đã từng đến tiêm chủng tại BV Hồng Hưng cũng nhận được 1 quyển sổ theo dõi tiêm chủng, trong đó có đầy đủ thông tin chi tiết để theo dõi từng mũi tiêm của trẻ.
 
Câu hỏi từ bạn Mỹ Vy: “Sau khi chích ngừa cần theo dõi bé tại nhà thế nào & khi nào cần cho bé khám lại ngay ạ?”
BS Nguyễn Thị Hồng Loan trả lời:

Chào bạn Mỹ Vy, sau khi chích ngừa cần theo dõi những phản ứng sau tiêm, đa số là biểu hiện nhẹ như:

  • Sưng đau vị trí tiêm.
  • Triệu chứng toàn thân: sốt < 39 độ C, trẻ hơi quấy, bú kém. Các triệu chứng này tự khỏi sau 2 ngày.

Theo dõi các dấu hiệu nặng cần đưa trẻ đi khám ngay:
✍️ Sốt cao liên tục > 39 độ C,dùng hạ sốt không giảm, trẻ co giật.
✍️ Trẻ li bì, quấy khóc kéo dài, bỏ bú.
✍️ Khó thở, khò khè, tím tái, nổi mề đay.
✍️ Vị trí tiêm sưng cứng, đỏ đau, hạn chế vận động.

Câu hỏi từ bạn Nguyệt Nguyễn Lệ: “Bé chích ngừa trễ hơn ngày hẹn có được không? Nếu bị trễ khá lâu, có cần chích lại từ đầu không ạ?”

BS Nguyễn Thị Hồng Loan trả lời:

Chào bạn Nguyệt Nguyễn Lệ,

  • Ngày hẹn tiêm ngừa là thời điểm sớm nhất có thể tiêm mũi vaccin đó, không bắt buộc phải tiêm đúng ngày đó mới được. Nếu chưa đưa bé đi tiêm được thì có thể trì hoãn trong vài tuần. Tuy nhiên không nên trì hoãn quá lâu, vì tiêm ngừa sớm và đúng lịch thì trẻ được bảo vệ tốt hơn.
  • Lịch hẹn chỉ là khoảng cách thời gian tối thiểu giữa 2 liều vaccin, chứ không phải thời gian tối đa, nên cho dù trẻ đi chích ngừa có trễ hơn so với lịch hẹn, thì trẻ chỉ cần chích tiếp những liều còn lại, không phải tiêm lại từ đầu. Nếu tiêm ngừa trễ hơn so với lịch hẹn thì miễn dịch tạo được sẽ không tối ưu, nhưng có tiêm nhắc lại vẫn tốt là bỏ luôn các mũi tiêm nhắc.

Câu hỏi từ bạn Andy Trần Lê: “Bé có thể chích được nhiều loại vắc-xin cùng lúc hay không thưa bác sĩ?”

BS Nguyễn Thị Hồng Loan trả lời:

Chào bạn Andy Trần Lê,

Việc tiêm 2 hay nhiều vắc xin cho trẻ cùng 1 buổi không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và không ảnh hưởng đến khả năng tạo kháng thể của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy việc phối hợp nhiều vắc xin cho trẻ thì hệ miễn dịch vẫn đáp ứng tốt, hệ miễn dịch trẻ có thể tiếp nhận 1000 kháng nguyên cùng lúc.
Chích nhiều mũi cùng lúc sẽ giúp giãm số lần đi chích ngừa đáng kể, giúp tiết kiệm thời gian. Với những bé bị trễ nhiều mũi tiêm thì việc chích nhiều mũi cùng lúc giúp bé nhanh chóng bắt kịp lại các mũi bị trễ.

Câu hỏi từ bạn Nhiên An: “Nếu bé chỉ chích ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng thôi đã đủ hay chưa? Có cần bổ sung thêm các mũi khác ngoài chương trình không?”

BS Nguyễn Thị Hồng Loan trả lời:

Chào bạn Nhiên An,

  • Tiêm chủng mở rộng là chương trình y tế quốc gia ưu tiên các loại vắc xin nhằm giảm tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Việc cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các vắc xin này rất quan trọng, tuy nhiên các loại vắc xin này chưa bao phủ hết các bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ, do kinh phí của chương trình có hạn.
  • Bên cạnh các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vẫn còn nhiều vắc xin chủng ngừa cho các bệnh truyền nhiễm khác: vắc xin thủy đậu, MMR II, não mô cầu BC – ACWY, phế cầu, vắc xin phòng tiêu chảy, cúm, …

 ThS. BS Nguyễn Thanh Phước bổ sung:

Chào bạn Nhiên An,

Bé chẳng may đã mắc Covid-19 rồi vẫn có thể tiêm những vaccin khác sau 1 tháng, đặc biệt là những vaccin cần thiết như phòng ngừa dại do chó cắn buộc phải tiêm ngay, ngừa uốn ván,…

Câu hỏi từ bạn Lê Văn Trọng Hoàng: “Con em 5 tuổi thì có tiêm vaccin Covid được không, tiêm loại vaccin nào ạ?”

ThS. BS Nguyễn Thanh Phước trả lời:

Chào bạn Lê Văn Trọng Hoàng,
Đối với bé từ 12 tuổi trở lên sẽ được tiêm giống người lớn là vaccin Pfizer – nắp lọ màu tím.
Còn nếu trường hợp con bạn có độ tuổi từ đủ 5 tuổi đến 11 tuổi, Việt Nam sắp triển khai tiêm vaccin Pfizer liều thấp hơn – nắp lọ màu cam.

Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi qua số Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939.

—————————————-
BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Thứ bảy hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00

  • Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
  • Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
  • Email: info@honghunghospital.com.vn
  • Website: www.honghunghospital.com.vn
  • Fanpage: Hong Hung Hospital