Suy tim – bệnh lý nguy hiểm cần quan tâm

Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch có tỉ lệ mắc bệnh cao. Bệnh suy tim mạn tính khó chữa khỏi, đe dọa tính mạng người bệnh bởi nhiều biến chứng cấp tính nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có thể phòng tránh rủi ro bệnh suy tim nếu nhận biết được các dấu hiệu sớm của bệnh và có cách điều trị, chăm sóc đúng đắn.

suy tim

1.Suy tim là gì?

Suy tim là tình trạng tim suy yếu do các tổn thương và là hậu quả của nhiều bệnh về tim mạch như: tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim,…

suy tim

Khi bị suy tim, tim không thể cung cấp đủ máu và oxy để đáp ứng nhu cầu tuần hoàn của cơ thể trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân mắc phải suy tim thường mệt mỏi, khó thở, một số người bị ho.

Theo thống kê mới nhất từ Hội nghị hội tim mạch Châu Âu (ESC) diễn ra tại Pháp cuối tháng 8.2021 vừa qua, khoảng 2% người lớn trên thế giới bị suy tim. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi, từ 1% ở độ tuổi dưới 55 đến hơn 10% ở những người từ 70 tuổi trở lên.

2.Nguyên nhân & triệu chứng nhận biết bệnh suy tim

Nguyên nhân dẫn đến suy tim và suy tim chuyển biến nặng

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy tim là bệnh lý mạch vành và huyết áp cao. Ngoài ra cũng có thể kể đến một số nguyên nhân khác như:

  • Bệnh van tim gây tắc nghẽn như hẹp van động mạch chủ; hẹp van 2 lá
  • Bệnh van tim gây hở van như: hở van 2 lá nặng, hở van động mạch chủ
  • Bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trong tim: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, cửa sổ phế chủ,…
  • Bệnh cơ tim giãn không liên quan với thiếu máu cục bộ
  • Tiền sử có các rối loạn về di truyền hoặc trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh
  • Rối loạn do thâm nhiễm
  • Tổn thương do thuốc hoặc nhiễm độc
  • Bệnh chuyển hóa: bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường
  • Do vi-rút hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng khác
  • Rối loạn nhịp tim và tần số tim
  • Rối loạn nhịp nhanh/chậm mãn tính

Bên cạnh đó, một số yếu tố thúc đẩy khiến tình trạng suy tim trở nặng bao gồm:

  • Chế độ ăn nhiều muối
  • Không tuân thủ điều trị: bỏ thuốc, uống không đều
  • Giảm liều thuốc điều trị suy tim không hợp lý
  • Nhiễm khuẩn
  • Thiếu máu
  • Dùng thêm các thuốc có thể làm nặng suy tim: chẹn can-xi, chẹn bê ta, kháng viêm không steroid, thuốc chống loạn nhịp
  • Lạm dụng rượu, có thai, huyết áp tăng cao.

Các triệu chứng bệnh lý suy tim

Các triệu chứng của suy tim có thể khác nhau ở mỗi người, có thể bắt đầu đột ngột hoặc phát triển dần dần trong thời gian dài.

Các triệu chứng chính thường gặp:

  • Khó thở: có thể xảy ra sau khi người bệnh hoạt động hoặc nghỉ ngơi; nặng hơn là khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm khiến người bệnh thức dậy
  • Sưng phù vùng mắt cá chân: do tình trạng tích nước, nhẹ vào buổi sáng và nặng hơn vào cuối ngày
  • Mệt mỏi: người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, yếu sức trong hầu hết thời gian trong ngày

Ngoài ra, một số triệu chứng khác như:

  • Ho dai dẳng có thể nặng hơn vào ban đêm; có khi ho ra máu hay bọt hồng
  • Thở khò khè
  • Đầy hơi, ăn mất ngon
  • Tăng cân hoặc sụt cân bất thường
  • Chóng mặt và ngất xỉu
  • Nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim hoặc đánh trống ngực, một số khác có thể cảm thấy trầm cảm, lo lắng và mất ngủ.

3.Bệnh suy tim có nguy hiểm không?

Phần lớn, bệnh nhân suy tim dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm, tiên lượng kém. Hầu như trung bình mỗi năm phải nhập viện một lần, phân nửa tử vong trong 5 năm (thống kê tại ESC 2021)

Một số biến chứng từ suy tim gây tử vong:

  • Phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi
  • Đột tử do rối loạn nhịp tim
  • Đột quỵ và nhồi máu cơ tim
  • Nguy cơ hỏng van tim
  • Cơ thể bị thiếu máu
  • Tổn thương gan, thận
  • Rối loạn nhịp tim.

4.Bệnh nhân suy tim cần làm gì để phòng tránh rủi ro biến chứng nặng?

Bệnh suy tim có thể nặng hơn hoặc được cải thiện theo thời gian tùy thuộc vào nguyên nhân suy tim và phương pháp điều trị. Ngoài ra, người bệnh cần trang bị các kiến thức về lối sống và chế độ dinh dưỡng giúp làm chậm tiến triển của bệnh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

suy tim

Một số lời khuyên về lối sống và chế độ dinh dưỡng được các bác sĩ khuyến cáo như:

  • Tập thể dục để cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân suy tim mạn
  • Không làm việc hoặc hoạt động gắng sức
  • Không hút thuốc, không/ uống ít rượu bia
  • Tránh ăn quá nhiều muối, hạn chế thực phẩm chứa nhiều mỡ hoặc chất béo, ăn uống đủ dinh dưỡng, lành mạnh
  • Duy trì cân nặng ổn định, cần giảm cân đối với bệnh nhân béo phì
  • Tránh căng thẳng, duy trì trạng thái tâm lý vui vẻ, thoải mái
  • Theo dõi giấc ngủ & triệu chứng, khám định kì và sử dụng thuốc theo phác đồ của bác sĩ
  • Nên tiêm ngừa vắc-xin cúm, phế cầu và Covid-19.

5.Làm gì để phòng ngừa biến chứng dẫn đến suy tim?

Để phòng ngừa suy tim nên điều trị cao huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, chế độ ăn kiêng tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, cần kiểm soát các bệnh kết hợp khác như rung nhĩ, bệnh thận mạn, thiếu sắt, bệnh van tim.

Thường xuyên thăm khám định kì khi thấy những bất thường về sức khỏe, khám sức khỏe tổng quát định kì. Tiêm ngừa vắc-xin được khuyến cáo đúng lịch và đủ mũi.

  • Khoa Nội Tim mạch – Nội tiết tại BVĐK Hồng Hưng với đầy đủ các dịch vụ, thiết bị hỗ trợ điều trị các bệnh lý tim mạch như xét nghiệm ProBNP chẩn đoán suy tim, siêu âm tim màu, siêu âm Doppler mạch máu, siêu âm động mạch cảnh, mạch vành chi dưới,… cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm giúp bệnh nhân an tâm trong quá trình thăm khám.
  • Khoa Dinh Dưỡng – Tiêm chủng tại BVĐK Hồng Hưng với đa dạng chủng loại vắc-xin, nguồn vắc-xin chất lượng đến từ những hãng cung cấp lớn, uy tín; chi phí hợp lý; tiêm ngừa cho trẻ em và người lớn; xây dựng nhiều gói vắc-xin phù hợp với mọi độ tuổi.

Xem thêm:

[Tổng hợp] Các loại vắc-xin chích ngừa cúm tại phòng Tiêm chủng BVĐK Hồng Hưng

[Tổng hợp] các loại vắc-xin NGỪA CÁC BỆNH DO KHUẨN PHẾ CẦU GÂY RA tại phòng Tiêm chủng BVĐK Hồng Hưng

Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi qua số Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939.

Bài viết được sự tư vấn chuyên môn của BS.CKI Nguyễn Tiến Duy – Khoa Nội Tim mạch – Nội tiết, BVĐK Hồng Hưng.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 đến 16h00

  • Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
  • Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
  • Email: info@honghunghospital.com.vn
  • Website: www.honghunghospital.com.vn
  • Fanpage: Hong Hung Hospital