Cảnh báo: bỏng khoang miệng ở trẻ do uống nhầm thuốc có thành phần axit

Uống nhầm thuốc là tình trạng không quá hiếm gặp, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh vì bất cẩn nên cho trẻ uống nhầm thuốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng đã ghi nhận trường hợp bé T.P.P, 10 tháng tuổi, ngụ tại Cẩm Giang, Gò Dầu bị bỏng khoang miệng phải nhập viện do uống nhầm thuốc có thành phần axit.

Theo thông tin từ người nhà, bé P. như thường lệ được người nhà cho uống vitamin K2+D3. Mẹ bé cho biết: thuốc của bé được để một khu vực riêng nhưng do sơ suất nên người nhà đã lấy nhầm lọ thuốc của người lớn để cho bé uống thay vì vitamin. Loại thuốc bé P. uống nhầm là một loại thuốc dùng ngoài da, có thành phần axit (acid trichloracetic 80%). Sau khi được cho uống thuốc, bé liền quấy khóc và xuất hiện các mảng trắng quanh miệng, lưỡi.

Bé được người nhà đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng, bác sĩ khoa Nhi – Đơn nguyên sơ sinh đã kiểm tra và ghi nhận tình trạng bé bị bỏng khoang miệng, chỉ định nhập viện theo dõi và điều trị. Theo ThS.BS Nguyễn Thanh Phước, Phó khoa Nhi – Đơn nguyên sơ sinh: “May mắn là với trường hợp của bé P., do chỉ uống nhầm với liều lượng nhỏ nên không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé. Sau một ngày điều trị và theo dõi, các biểu hiện của bé đã ổn định hơn”.

Trước khi xuất viện, bác sĩ cũng đã hướng dẫn người nhà chế độ ăn uống, cách theo dõi bé sau đó (phòng khi xuất hiện các biến chứng), cũng như các lưu ý trong quá trình chăm sóc, cho bé uống thuốc để đề phòng các tai nạn tương tự xảy ra.

ThS.BS Nguyễn Thanh Phước cũng cảnh báo các bậc phụ huynh cần cẩn thận hơn khi cho trẻ uống thuốc. Việc cho bé uống nhầm thuốc (đặc biệt là những loại có thành phần axit) nếu nặng có thể gây sẹo hẹp đường thực quản, thậm chí gây biến chứng nặng nề như loét thủng đường tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Để phòng tránh cho trẻ uống nhầm thuốc, bố mẹ cần:

  • Để thuốc của trẻ tách biệt, không để lẫn với thuốc bôi ngoài da, thuốc khử khuẩn.
  • Thuốc nên được để ở nơi trẻ không thể tiếp cận được, xa tầm tay và tầm nhìn của trẻ. Khuyến khích giữ thuốc trong hộp đựng ban đầu, có nắp an toàn cho trẻ em.
  • Cần theo dõi trẻ chặt chẽ, thường xuyên.
  • Cần biết cách sơ cứu với một số tình huống thường gặp, đảm bảo sơ cứu kịp thời, hạn chế tổn thương cho trẻ.
  • Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời can thiệp khi nhận thấy bất cứ biểu hiện bất thường nào từ trẻ.

Xem thêm: Cho trẻ uống thuốc: Làm thế nào để dễ dàng và an toàn?

Để được tư vấn cụ thể hoặc đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, Quý bà con có thể liên hệ đặt lịch với chúng tôi:

—————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7