Cấp cứu và nuôi dưỡng thành công bé sinh non 33 tuần

Sinh non và sa dây rốn là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tính mạng của mẹ và bé. Vừa qua, đội ngũ y bác sĩ Khoa Nhi – Đơn nguyên sơ sinh đã cấp cứu kịp thời và nuôi, chăm sóc thành công bé sinh non 33 tuần bị suy hô hấp, được sinh mổ cấp cứu do sa dây rốn.

Khoảng 1h sáng ngày 16/11/2023, chị Đ.T.X (ngụ tại Hòa Thành, Tây Ninh) đang mang thai ở tuần 33, có dấu hiệu vỡ ối, dù trước đó không có dấu hiệu bất thường nào. Ngay lập tức, gia đình liền đưa chị đến Bệnh viện Đa Khoa Hồng Hưng cấp cứu.

Qua thăm khám và siêu âm, nhận thấy nhịp tim thai giảm, cử động thai yếu và phát hiện chị X. bị sa dây rốn, các bác sĩ khoa Sản đã ngay lập tức chỉ định sinh mổ cấp cứu, đồng thời thông báo cho đội hồi sức sơ sinh đón bé ngay tại phòng sinh.

Sau sinh, bé bị suy hô hấp nặng, thở nấc, phản xạ yếu, nhịp tim ghi nhận dưới 100 nhịp/ phút, chỉ nặng 1.6 kg, bầm da ở nhiều vị trí. Các bác sĩ Nhi khoa đã thực hiện hồi sức cho bé với thông khí áp lực dương, cho bé thở NIV qua máy Beluga, truyền dịch, vitamin K.

Sau cấp cứu, bé được tiếp tục chăm sóc, điều trị đặc biệt bằng cách nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, kháng sinh chống nhiễm trùng, thở NCPAP, giữ ấm và chiếu đèn điều trị vàng da tại Đơn nguyên sơ sinh.

Theo nhận định từ BS.CKI Nguyễn Minh Tú, bác sĩ khoa Nhi – Đơn nguyên sơ sinh: “Đây là trường hợp nguy hiểm bởi sinh mổ không chuẩn bị, thai nhi còn nhỏ tháng và nhỏ ký, có thể có nhiều nguy cơ lúc sinh và sau sinh nếu không được hồi sức kịp thời”.

Sau 3 ngày chăm sóc tích cực tại khoa Nhi – Đơn nguyên sơ sinh, tình trạng bé đã ổn định hơn, không bị suy hô hấp và có thể tự bú mẹ được. Sau 10 ngày, bé đã được xuất viện.

Xem thêm về tình trạng sa dây rốn

Sa dây rốn là tình trạng dây rốn nằm dưới hoặc nằm bên ngôi thai, dây rốn sa xuống cổ tử cung, chui vào trong ống sinh trước cả thai nhi. Thông thường, dây rốn bị sa khi ối đã vỡ. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện trường hợp nguy hiểm hơn, chính là dây rốn bị sa khi bọc ối vẫn còn nguyên.

Sa dây rốn thường xảy ra vào giai đoạn cuối thai kỳ, đặc biệt thường xuất hiện ở quá trình chuyển dạ, dễ gây suy thai khi mẹ bầu chuyển dạ. Sa dây rốn cũng là một tình trạng rất nguy hiểm, gây tắc đường cung cấp oxi và dinh dưỡng cho bé. Nếu không được xử lý kịp thời (thường là trong vòng 30 phút) có thể gây nguy hiểm đối với thai nhi, thậm chí gây tử vong.

Trong trường hợp sản phụ có dấu hiệu suy thai hoặc thai nhi có nhịp tim suy giảm đột ngột, bác sĩ sẽ chỉ định phương án phẫu thuật. Bé sẽ được đảm bảo an toàn hơn qua việc mổ lấy thai và hồi sức bởi đội hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh.

Nhìn chung, sa dây rốn vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa cụ thể. Chính vì thế, các mẹ bầu cần khám sức khỏe định kỳ đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe. Ngay khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, dù là nhỏ nhất cũng nên đến bệnh viện thăm khám, theo dõi và xử lý cấp cứu kịp thời.

Để được tư vấn cụ thể thông tin về chương trình, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi:

—————————–

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG

Thời gian hoạt động: Khám ngoại trú từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 – 16h00, ngoài giờ: 16h – 19h | Cấp cứu: 24/7