Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân sa trực tràng phát hiện muộn (do sa sút trí tuệ)

Sa trực tràng là một bệnh lý ngoại khoa liên quan đến hậu môn và trực tràng. Đây tuy là bệnh lành tính nhưng lại có thể gây nên nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như tiềm ẩn nguy cơ hoại tử khi khối sa bị mắc kẹt bên ngoài và gây nghẹt hậu môn.

Vừa qua, BVĐK Hồng Hưng đã tiếp nhận & phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị sa trực tràng là cô N.N.T (60 tuổi). Do có biểu hiện sa sút trí tuệ, cô T không ý thức được bệnh tình của mình mỗi khi đi đại tiện nên đã phải trải qua một khoảng thời gian dài chịu đựng cho đến khi được người thân phát hiện, đưa đến BVĐK Hồng Hưng nhập viện điều trị.

Vị trí của trực tràng (hình internet)

Chẩn đoán sa trực tràng không khó, Bác sĩ chỉ cần có được thông tin rằng bệnh nhân từng có khối sa hậu môn khi đại tiện lặp đi lặp lại và phân biệt với trĩ nội độ 3. Đối với sa trực tràng, khối sa đồng đều hình tháp, niêm mạc xếp thành vòng tròn đồng tâm; còn đối với trĩ nội độ 3 thì khối sa không đồng đều, từng búi nhô ra, có rãnh xuyên tâm; chỉ cần thấy hình ảnh là Bác sĩ có thể chẩn đoán xác định được.

Tình trạng sa trực tràng của cô T được người thân chụp lại

Phương pháp chẩn đoán xác định được thực hiện khá đơn giản thông qua ghi hình trong lúc đại tiện (procto video), hoặc cũng có thể nhờ người nhà cung cấp hình chụp khối sa bằng điện thoại. Tuy nhiên, trước khi mổ, bệnh nhân cần được thực hiện nội soi trực tràng để đánh giá bệnh lý đi kèm và mức độ viêm loét trực tràng do biến chứng.

E-kip mổ cho cô T đã tiến hành phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép tổng hợp/ tấm lưới nhân tạo (mesh) cố định trực tràng vào ụ nhô xương cùng của cô. Sau ca phẫu thuật, cô T lưu viện 3 ngày tại Khoa Ngoại Tổng hợp để theo dõi tình trạng phục hồi và đã được xuất viện sau khi khỏe hoàn toàn.


BS Út thăm khám định kỳ cho cô T sau phẫu thuật

ThS.BS Nguyễn Văn Út – Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp, người trực tiếp đảm nhận ca phẫu thuật này cho biết: “Dù tính chất bệnh lý là lành tính nhưng đây là ca bệnh khá nặng vì khối bị sa lớn do phát hiện muộn, cộng thêm do không ý thức được bệnh lý nên nhiều lần cô T dùng tay tác động khiến khối sa bị xước và chảy máu… Nếu cô T nhập viện trễ hơn, khả năng sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng hoặc nặng hơn nữa là hoại tử”.

Hãy cùng xem thêm những chia sẻ về bệnh lý này từ ThS.BS Nguyễn Văn Út để hiểu rõ hơn cũng như có những lưu ý cần thiết để phòng ngừa và hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra.

1. Sa trực tràng là gì?

Sa trực tràng là tình trạng một phần hoặc toàn bộ thành trực tràng, mất đi gắn kết và bị lộn lại, chui qua lỗ hậu môn ra ngoài. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi (sa niêm mạc) và ở người lớn trên 50 tuổi (sa niêm mạc và sa toàn bộ).

Sa trực tràng một phần & sa trực tràng toàn bộ (hình internet)

Sa trực tràng được chia làm 2 loại chính dưới đây:

Sa niêm mạc

Thông thường, mỗi khi đi đại tiện, lớp niêm mạc của hậu môn sẽ lộn ngược lại nhằm giúp tống phân ra ngoài dễ hơn. Sau đó, nhờ tính đàn hồi, chúng sẽ được co lại hoàn toàn. Còn đối với những người bị sa niêm mạc, các mô của trực tràng không chỉ lộn quá mức, mà còn mất độ đàn hồi nên không thể quay ngược lại như bình thường.

Để đánh giá tình trạng bệnh, có thể chia làm các cấp độ:

  • Độ 1: Chỉ bị sa mỗi khi đi đại tiện (rặn)
  • Độ 2: Bị sa ngay cả khi hoạt động, nhất là những hoạt động khiến tăng áp lực ở vùng bụng như đi bộ, ho, hắt hơi hay ngồi xổm
  • Độ 3: Thường xuyên bị sa ngay cả khi không hoạt động.
Sa toàn bộ

Đây là tình trạng nặng, khi cả bóng trực tràng và ống hậu môn đều bị lộn ra phía ngoài hậu môn. Để đánh giá cấp độ, bên cạnh các cấp độ gây ra tình trạng sa như phía trên có đề cập, sa toàn bộ còn có những triệu chứng nặng nề hơn:

  • Độ 1: Niêm mạc có triệu chứng phù nề, hậu môn bị lõm vào.
  • Độ 2: Niêm mạc tuyến của trực tràng đã bị hoại tử từng đám nhỏ, hậu môn mất trương lực cơ thắt nhão, niêm mạc chảy máu và trung đại tiện mất tự chủ.
  • Độ 3: Niêm mạc bị loét hoại tử, cơ thắt mất trương lực, không giữ được nước tiểu, tung đại tiện không tự chủ… Lúc này bệnh nhân bị rối loạn cảm giác hậu môn, tinh thần căng thẳng, có thể nổi mụn mủ ở đáy hậu môn gây đau rát rất khó chịu.

2. Nhận diện những nguyên nhân có thể gây ra sa trực tràng

Nhóm nguyên nhân từ các thói quen hàng ngày (khiến áp lực tại ổ bụng tăng đột ngột và trong thời gian dài):

  • Hoạt động đại tiện: những người hay bị táo bón, tiêu chảy hoặc đối với những bé chưa thật sự “mắc” nhưng ba mẹ lại bắt trẻ ngồi bô và cố rặn
  • Những người làm nghề khuân vác nặng
  • Ở trẻ em: mắc chứng ho gà, hẹp bao quy đầu
  • Ở người lớn: bệnh lỵ, viêm đại tràng mãn, bí đái, u tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang.

Nhóm nguyên nhân do cấu trúc sinh lý mỗi người:

  • Thiếu độ cong của xương cùng: trong khi đây là điểm bám cũng như độ tựa của trực tràng
  • Độ bám dính của trực tràng vào thành bụng không chắc, dễ di chuyển khiến trượt xuống và sa ra ngoài
  • Van trực tràng kém phát triển làm giảm đáng kể độ cản khi trực tràng có dấu hiệu sa xuống
  • Độ gấp góc của bóng trực tràng với ống hậu môn không đủ.
  • & nhiều nguyên nhân khác…

Nhóm yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng:

  • Ở trẻ em: Đã từng phẫu thuật hậu môn lúc sơ sinh, bị nhiễm trùng, suy dinh dưỡng hoặc có các vấn đề về thể chất
  • Ở người lớn: Đã từng mổ các bệnh về sản – phụ khoa hoặc sinh đẻ, tiền sử chấn thương ở khu vực đáy chậu, bị yếu cơ sàn chậu theo độ tuổi.

3. Dấu hiệu nhận biết sa trực tràng

Khi bị sa trực tràng, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng như:

  • Phía ngoài hậu môn, xuất hiện một cục thịt dư khiến đau rát mỗi khi đại tiện
  • Thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy hơn bình thường
  • Thường có cảm giác buốt mót (như đi không hết phân) và tắc nghẽn đại tiện, ngứa rát vùng hậu môn
  • Đại tiện khó kiểm soát ở nhiều mức độ
  • Phân có thể có dịch nhầy
  • Chảy máu trực tràng
Sa trực tràng và trĩ có giống nhau không?

Cần phân biệt hai loại bệnh lý sa trực tràng và trĩ (hình internet)

Dù có những biểu hiện tương đối giống nhau, tuy nhiên, đây lại là 2 loại bệnh lý hoàn toàn khác nhau, có thể phân biệt như sau:

  Bệnh sa trực tràng  Bệnh trĩ
Thông qua khối sa Khối sa là một khối đồng nhất, đồng tâm (là một phần hoặc toàn bộ trực tràng) và tiết nhiều dịch nhầy ẩm ướt. Khối sa thường nhỏ, ngắn và được tạo thành từ một hay nhiều búi không đều
Thông qua hiện tượng chảy máu Dù có hiện tượng chảy máu khi đi đại tiện, nhưng máu đỏ tươi và chảy ra thường rất ít và bị lẫn vào phân. Lượng máu chảy ra tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, khi tiến triển nặng, búi trĩ sưng to, lượng máu chảy ra sẽ khá nhiều hơn, có thể nhỏ thành giọt hoặc bắn thành tia.

Tuy nhiên vẫn nên dựa vào các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để đạt được độ chính xác cao nhất:

  • Chụp hình thực tế khi đi tiêu (procto video): dựa vào hình ảnh chụp được, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác bệnh sa trực tràng với các bệnh lý khác như sa trĩ,…
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp có độ chính xác cao, bên cạnh đánh giá bệnh lý sa trực tràng còn có thể đồng thời chẩn đoán được các yếu tố kèm theo bệnh như sa sinh dục, sa bàng quang… (hay sa tạng chậu nói chung).

4. Những lời khuyên giúp phòng ngừa nguy cơ sa trực tràng

Bên cạnh những nguyên nhân tránh khỏi dẫn đến sa trực tràng, chúng ta vẫn có thể phòng ngừa những tác nhân nguy cơ có thể dẫn đến bệnh lý này như:

  • Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2 lít nước/ngày).
  • Ăn nhiều các loại thực phẩm có tác dụng nhuận tràng như: khoai, rau mùng tơi…
  • Bổ sung nhiều chất xơ như: trái cây, rau xanh, ngũ cốc…
  • Không nên rặn quá nhiều khi đại tiện

Theo chia sẻ từ Bs.Út “Đối với từng bệnh nhân sa trực tràng, tùy vào nguyên nhân và độ tuổi khác nhau mà có thể điều trị thành công bằng dùng thuốc nhuận tràng, thay đổi chế độ ăn, thay đổi lối sống… khi còn ở giai đoạn nhẹ. Một khi, bệnh đã tiến triển nặng thì chỉ có biện pháp phẫu thuật mới có thể điều trị dứt điểm và mang lại sự cải thiện đáng kể trong chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Ở những người lớn tuổi, sinh nhiều con, thoái hóa Collagen, cơ vùng chậu yếu, nhão… ngoài sa trực tràng còn có thể bị sa bàng quang, sa tử cung hoặc phối hợp sa ở các tạng chậu. Trong trường hợp của cô N.N.T, phát hiện và điều trị khá muộn chủ yếu là do cô (người trực tiếp mắc bệnh) không đủ nhận thức được vấn đề và trình trạng của bản thân. Chính vì thế, ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để thực hiện thăm khám cùng với các Bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm và sự hỗ trợ của những thiết bị y tế tối tân giúp đánh giá đúng và kịp thời tình trạng bệnh, từ đó có những hướng can thiệp điều trị kịp thời, hiệu quả.”

Xem thêm:

Ngay khi có những dấu hiệu bất thường như: cổ tử cung thập thò ở cửa mình, tiểu gắt, buốt, không hết nước tiểu (són tiểu), đại tiện khó khăn, phải “rặn” thường xuyên… nên nhanh chóng đăng ký thăm khám tại các cơ sở Y tế uy tín để được đánh giá tình trạng kịp thời, hạn chế nguy cơ tăng mức độ sa cũng như những biến chứng nguy hiểm khác.

Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe, cũng như đăng ký thăm khám tại BVĐK Hồng Hưng, hãy liên hệ đặt lịch ngay với chúng tôi qua số Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HỒNG HƯNG
Thời gian phục vụ: Từ Thứ hai đến Chủ nhật hàng tuần, buổi sáng 7h00 – 12h00, buổi chiều 13h00 đến 16h00

  • Địa chỉ: 187 Phạm Văn Đồng, TX. Hòa Thành, Tây Ninh
  • Hotline: 0276 3836 991 – 0941 696 939
  • Email: info@honghunghospital.com.vn
  • Website: www.honghunghospital.com.vn
  • Fanpage: Hong Hung Hospital